,

Ngành gỗ gặp “sóng” lớn

Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu đang biến động lớn, gây ra những tác động tiêu cực cho ngành gỗ Việt Nam.

Vì vậy, việc phát triển vùng nguyên liệu càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi cần có thay đổi đột phá về cơ chế, chính sách và cả hành động của doanh nghiệp.

Theo ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, quý I/2022, nước ta nhập khẩu khoảng 1,2 triệu m3 gỗ nguyên liệu từ 84 thị trường, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, gỗ thông tròn tăng giá mạnh từ 91 USD/m3 vào đầu năm 2021 lên 139 USD/m3 tháng 2/2022; tới tháng 3/2022, giá tiếp tục tăng 12 USD/m3 so với tháng trước đó. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2022, giá gỗ thông tròn nhập khẩu đã tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Tô Xuân Phúc – chuyên gia Tổ chức Forest Trend – nhận định, các khía cạnh tác động của đại dịch Covid-19 tới nguồn cung gỗ nguyên liệu bao gồm tạo ra sự thiếu hụt nguồn container rỗng, làm tăng giá cước vận chuyển, làm thiếu lao động trong khâu khai thác. Khan hiếm gỗ nguyên liệu, giá gỗ tăng, thời gian giao hàng không đảm bảo đã tác động trực tiếp tới nguồn cung gỗ nhập khẩu của Việt Nam. Điều này cũng đang làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành.

Gỗ nguyên liệu thông thường chiếm 40 – 60% trong cơ cấu giá thành sản phẩm của một sản phẩm gỗ. Do đó, đảm bảo nguồn gỗ nguyên liệu ổn định và bền vững là một trong những điều kiện tiên quyết cho việc phát triển của ngành. Chủ động nguồn cung gỗ trong nước cũng đã được các doanh nghiệp triển khai.

Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang – cho biết, việc xây dựng vùng trồng rừng gỗ lớn là mục tiêu và chiến lược của Woodsland. Công ty đã cùng phối hợp với các chủ chứng chỉ gồm công ty lâm nghiệp và nhóm hộ gia đình xây dựng phương án quản lý rừng tối thiểu 7 năm trong kế hoạch quản lý rừng để có thể tạo vùng nguyên liệu gỗ đáp ứng nhu cầu chế biến.

Tuy nhiên, việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn vì thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, phát triển rừng gỗ lớn chưa được người dân chú trọng bởi chu kỳ rừng trồng dài hơi, rủi ro lớn do phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ, điều kiện kinh tế của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, không đủ điều kiện tài chính để theo chu kỳ khai thác dài, cho gỗ lớn.

Là một trong những thủ phủ đồ gỗ của cả nước, hiện, ngành chế biến gỗ và lâm sản Bình Định có khoảng 240 doanh nghiệp chế biến. Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định – cho hay, nguồn nguyên liệu trong tỉnh hiện nay chỉ cung ứng được 50%. Việc trồng rừng gỗ lớn nhằm đáp ứng nguồn cung nguyên liệu trong nước cũng rất khó khăn bởi nó đòi hỏi thời gian dài từ 10 – 15 năm. Điều này đòi hỏi cần có những thay đổi đột phá về cơ chế, chính sách và hành động của doanh nghiệp trong thúc đẩy liên kết các bên với nhau.

Hiện, nguồn gỗ rừng trồng mới đáp ứng được 60 – 65% cho nhu cầu sử dụng trong cả nội địa và xuất khẩu. Để tạo ra được nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng đảm bảo phát triển sản xuất, chế biến gỗ bền vững, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, cần phải tận dụng trồng rừng hết quỹ đất hiện hữu và cả những diện tích đất nghèo kiệt cùng những diện tích rừng kém hiệu quả; tăng hiệu quả trồng rừng…

Nguồn: Báo Công Thương

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác