Dù biến động lớn ở công tác xuất khẩu nhưng thị trường nội thất và xây dựng Việt Nam năm 2025 lại chứng kiến những tín hiệu tích cực và xu hướng tăng trưởng nhẹ được đánh giá là khả quan.
Nhu cầu về nội thất của người dùng trong nước không hề nhỏ, đặc biệt với sự phát triển của phân khúc nhà ở trung và cao cấp.
Những tín hiệu tích cực
Tổ chức Mordor Intelligence đánh giá, thị trường nội thất nội địa Việt Nam đạt mốc 1,47 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ lên đến 1,92 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,33% trong giai đoạn 2024-2029.
Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, biến động kinh tế toàn cầu và tốc độ đô thị hóa nhanh đã kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở mới, chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại và các công trình khác, tạo ra một thị trường rộng lớn. Theo Statista, phân khúc nội thất phòng khách chiếm thị phần lớn nhất, đạt 462,90 triệu USD vào năm 2024.
Hiện, nhu cầu tiêu thụ bình quân đồ gỗ nội thất ở Việt Nam được đánh giá cao, lên đến trên 20 USD/người/năm. Thế nhưng, thị trường không nhiều cạnh tranh từ doanh nghiệp (DN) trong nước mà chủ yếu từ các DN nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, vốn có lợi thế về giá cả.
Trong bối cảnh xuất khẩu ngày càng áp lực, nhiều DN chuyên xuất khẩu đang có định hướng tái định vị để tiếp cận sâu hơn thị trường nội địa. “Thị trường nội địa bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực. Dù chưa thật sự bứt phá nhưng xu hướng tăng trưởng nhẹ là khả quan và đáng kỳ vọng”, ông Trịnh Minh Huy – Giám đốc Marketing của D’FURNI đánh giá.
Linh hoạt, tùy biến
D’FURNI có gần 20 năm kinh nghiệm sản xuất, phân phối và xuất khẩu nội thất rời phục vụ thị trường dự án toàn cầu. Nhằm thích nghi với sự chuyển dịch của thị trường và người tiêu dùng, D’FURNI đã thành lập bộ phận nghiên cứu thị trường để liên tục cập nhật xu hướng thiết kế nội thất mới. Các mẫu mã không chỉ được phát triển cho khách hàng dự án mà còn trưng bày tại showroom phục vụ khách lẻ. DN này còn đẩy mạnh sản phẩm đạt chuẩn xanh và đã thành lập phòng lab kiểm định chất lượng ngay tại nhà máy. Đặc biệt, DN cũng đầu tư mạnh vào đội ngũ và nền tảng phục vụ các kênh bán lẻ mới, tập trung vào nhóm khách hàng trẻ năng động.
Phúc Mỹ Gia cũng là một DN nhìn thấy tiềm năng của thị trường nội địa. Theo ông Zhang Wen Yong – Giám đốc công ty, cách để tiếp cận thị trường nội địa là phải có yếu tố linh hoạt, tùy biến. Dòng sản phẩm bán chạy nhất hiện nay của Phúc Mỹ Gia là nội thất tùy chỉnh, đặc biệt là tủ bếp. Nhờ có thế mạnh về thiết kế và sản xuất linh hoạt đồng thời tối ưu hóa không gian, Phúc Mỹ Gia dễ dàng tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng. Công ty cũng đón đầu phong cách tiêu dùng xanh, sử dụng đa dạng vật liệu ván công nghiệp đạt các tiêu chuẩn an toàn quốc tế như CARB P2, ENF, E0 và E1, kết hợp với nhiều loại bề mặt phủ hiện đại để đáp ứng linh hoạt mọi phong cách thiết kế và phù hợp với từng không gian sống.
Đẩy mạnh nội địa hóa
Theo ông Zhang Wen Yong, hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự chuyển mình rõ nét. Người tiêu dùng hiện nay chọn mua sản phẩm theo ba tiêu chí: Thương hiệu phù hợp với phong cách sống, tính cá nhân hóa cao và khả năng tương thích với không gian sống. Khách hàng tầm trung cao có nhu cầu gia tăng đối với nội thất tùy chỉnh. Điều này đòi hỏi DN không chỉ cập nhật xu hướng nhanh mà còn phải tối ưu chi phí để tạo ra sản phẩm có giá trị vượt trội. Quan trọng nhất là công tác tiếp cận khách hàng. “Kênh hội chợ vẫn đang có giá trị lớn trong việc tiếp cận khách hàng và đối tác trong nước”, ông nói.
Để tiếp cận sâu hơn thị trường nội địa, Phúc Mỹ Gia đang tham gia vào các hệ sinh thái ngành. Tháng 10/2025, DN sẽ đẩy mạnh trưng bày tại triển lãm VIBE. Không đơn thuần là hội chợ, VIBE mang đến một không gian giao thương, trao đổi chuyên môn và truyền cảm hứng sáng tạo. Với định hướng góp phần thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và mở rộng tầm ảnh hưởng ra khu vực ASEAN, VIBE mang đến một không gian kết nối, trao đổi chuyên môn và truyền cảm hứng sáng tạo cho các DN trong chuỗi ngành kiến trúc, nội thất, xây dựng
Tương tư, D’FURNI cũng đang đầu tư cho hiện diện ấn tượng của mình tại VIBE. Đơn vị này đã chủ động nội địa hóa từ rất sớm để có được thế chủ động trên toàn chuỗi cung ứng. Hiện khoảng 60-70% nguyên vật liệu của đơn vị được sản xuất trong nước. Việc đầu tư máy móc, ứng dụng vật liệu sản xuất nội địa như gỗ plywood uốn cong và nhựa giúp D’FURNI chủ động hơn và giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Một sản phẩm chiến lược cho thị trường nội địa của thương hiệu này là là ghế văn phòng Gather, thiết kế công thái học, tính năng đóng gói nhỏ gọn, dễ tháo lắp, phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện đại. Trước đây sản phẩm này chỉ bán trên Amazon Mỹ, nay sẽ được giới thiệu tại VIBE và phân phối tại Việt Nam.
Bà Trần Hoàng Phú Xuân, nhà sáng lập Faslink Việt Nam cho biết, thị trường nội địa phần lớn đang bị các DN sản xuất trong nước bỏ quên. Theo bà Xuân, “DN cần chủ động quan sát xu thế tiêu dùng để thay đổi công nghệ, giảm thâm hụt lao động, tạo ra sản phẩm mới và mạnh dạn tiếp cận sâu hơn thị trường nội địa”. Bà Xuân cũng cảnh báo về áp lực cạnh tranh từ hàng hóa Trung Quốc không xuất khẩu được sang Mỹ có thể dồn sang thị trường Việt Nam, DN cần nghiên cứu và sâu sát hơn khi tiếp cận người dùng trong nước.
Khánh Uyên