,

Ông Angelo Moras – nhà sáng lập thương hiệu Curvetta: Sáng tạo là chìa khóa vượt qua thử thách

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng những tháng cuối năm nhưng doanh số xuất khẩu cả năm được sự đoán sẽ sụt giảm. Thách thức vẫn còn nhiều nhưng theo ông Angelo Moras đây chính là bước lùi để doanh nghiệp (DN) có thể tận dụng gia tăng hàm lượng sáng tạo, chuẩn bị thêm lợi thế cạnh tranh khi thị trường hồi phục.

 

* Sở hữu hơn 35 năm kinh nghiệm, từng là chuyên gia tư vấn cho các DN sản xuất nội thất châu Âu, điều gì khiến ông quyết định dừng chân ở Việt Nam?

– Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm mộc. Cha tôi vận hành một DN sản xuất nội thất ở Ý. Tôi học được rất nhiều từ ông nhưng xác định con đường của mình không cố định ở xưởng sản xuất ấy. Công việc tư vấn sáng tạo giúp tôi có điều kiện đi nhiều nơi, tiếp cận với nhiều môi trường khác nhau. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, tôi cảm nhận được rất rõ tiềm năng phát triển của ngành gỗ và nội thất nên quyết định dừng lại, tìm hiểu sâu hơn và cuối cùng là gắn bó lâu dài như hiện nay.

Curvetta trong tiếng Ý có nghĩa là đường cong nhỏ. Cách đây 14 năm, khi tôi thành lập DN ở Việt Nam, việc uốn gỗ để làm nội thất còn rất mới mẻ. Kỹ thuật chế tác mà tôi học được ở cha mình ứng dụng được rất nhiều trong sản xuất nội thất, nhất là nội thất cao cấp, phục vụ các DN xuất khẩu.

* Nền tảng kỹ thuật giúp ông khởi nghiệp thuận lợi hơn?

– Việc uốn gỗ được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, từ uốn nén, uốn máy, uốn bằng tay… Kỹ thuật uốn gỗ truyền thống mà Curvetta sở hữu có thể tạo độ cong mềm mại cho rất nhiều nguyên liệu gỗ khác nhau, giữ vẻ đẹp tự nhiên của gỗ, nâng chất lượng sản phẩm tăng lên nhiều lần… nên được khách hàng, đối tác đón nhận nồng nhiệt. Đó là nền tảng rất tốt nhưng khi vận hành DN, ngoài kỹ thuật, còn đòi hỏi sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố khác.

Ban đầu, mọi sự không thuận lợi chút nào, chúng tôi liên tục gặp lỗi và từng bước khắc phục. Lỗi hôm nay khác với lỗi của ngày hôm qua. Chúng tôi học từ những va vấp của chính mình. Học qua lỗi, trả giá qua lỗi và trưởng thành từ đó. Rất may là tôi có được những người bạn đồng hành người Việt rất tốt, rất chân thành và chúng tôi đã cùng nhau nỗ lực.

* Ông có thể tiết lộ bí quyết uốn gỗ rất riêng của mình?

– Nhiều năm làm công tác tư vấn cho các DN chế biến gỗ, tôi không ngại chia sẻ kiến thức lẫn kinh nghiệm của mình với các đồng nghiệp. Tuy nhiên, bản thân nội thất gỗ cũng là sản phẩm “sống”, mỗi một thanh gỗ lại có vân, có sớ khác nhau, không hề đồng nhất nên phải dựa vào nguyên liệu mà đưa sáng tạo của mình vào đó, không thể rập khuôn. Cũng đã có người tìm hiểu và vận dụng phương thức của Curvetta nhưng không thành công.

Tựa như một nhà bếp, quy trình xử lý và uốn cong gỗ của Curvetta được tổ chức theo các chuyền nối tiếp, từ sơ chế nguyên liệu đến việc chế biến để cho ra đời sản phẩm cuối cùng. Công nhân trong chuyền sẽ là những người đầu bếp, thuận tiện di chuyển trong không gian của mình. Từng bộ phận được sắp xếp nối tiếp liền mạch với nhau.

* Khách hàng chính của Curvetta?

– Ban đầu, chúng tôi không sản xuất nội thất mà chỉ đảm nhận vai trò vệ tinh, thực hiện các chi tiết gỗ uốn cong, phần hoàn thiện thuộc về các DN xuất khẩu nội thất. Sau đó, chúng tôi phát triển thêm các sản phẩm của riêng mình và tham gia xuất khẩu sang Nhật, châu Âu. Thời gian gần đây, chúng tôi còn mở rộng khâu cung ứng nguyên liệu gỗ chất lượng cao từ thị trường châu Âu như Ý, Croatia… cho các DN Việt Nam.

* Thị trường nội thất hiện nay còn nhiều thách thức, việc mở rộng có phù hợp về mặt thời điểm?

– Gần 20 năm gắn bó với ngành chế biến gỗ Việt Nam, theo dõi từng bước phát triển của ngành, tôi tự tin khẳng định công nghiệp nội thất sẽ còn phát triển hơn trong thời gian tới. Tất nhiên, biểu đồ kinh doanh không thể nào chỉ có một chiều. Khúc quanh hiện tại là tất yếu bởi sự tăng trưởng của ngành gắn liền với diễn biến kinh tế toàn cầu.

Cũng như các DN nội thất Việt Nam, Curvetta không nằm ngoài tình hình suy giảm đơn hàng chung. Tuy nhiên, trong mọi tình huống khó khăn, chúng ta cần cố gắng đến cùng. Đơn hàng đã bắt đầu trở lại, báo hiệu sự hồi phục của ngành vào năm 2024.

* Chiến lược thích ứng với khó khăn của Curvetta là gì?

– Chúng tôi tập trung nâng cao tính sáng tạo, cải tiến và khắc phục dù là những lỗi nhỏ nhặt nhất. Khả năng tối thượng của sáng tạo là mở ra những chân trời mới. Sáng tạo là chìa khóa vượt qua mọi thử thách.

Tôi luôn biết hơn thực tại, dù nó đang diễn ra thế nào, như ý mình hay không. Thời gian rỗi đơn hàng vừa qua cho phép tôi tập trung vào việc thiết kế và thử nghiệm các dòng sản phẩm mới, phục vụ cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… Những thiết kế mới của chúng tôi nhận được tín hiệu đón nhận từ phía khách hàng khi tham gia các hội chợ nội thất quốc tế.

Dư địa của ngành nội thất Việt Nam còn lớn. Điều cần nhất hiện nay là việc thích ứng với những yêu cầu mới từ thị trường. Trong đó, chất lượng, tính sáng tạo và quan trọng nhất là tính bền vững cần phải được chú trọng và đón đầu để DN có thể bứt phá khi thị trường “ấm áp” trở lại.

* Xin cảm ơn ông!

Minh Đạo thực hiện

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác