,

Ông Vũ Anh Tuấn – Tổng Thư ký Hội Tin học TP.HCM (HCA), Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung: Chuyển đổi xanh song hành chuyển đổi số

Dù là thích ứng với các tiêu chuẩn mới trước mắt của thị trường nhập khẩu như CBAM, EUDR hay xa hơn nữa là chinh phục mục tiêu phác thải bằng 0 vào năm 2050 thì tất cả các ngành sản xuất lẫn dịch vụ của Việt Nam đều phải nỗ lực chuyển đổi xanh. Theo ông Vũ Anh Tuấn, quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy nhanh tiến độ và về đích dưới trợ lực chính của quá trình chuyển đổi số.

 

* Ba năm trở lại đây, dưới tác động của đại dịch Covid, mục tiêu chuyển đổi số của các ngành sản xuất trở nên bức thiết. Tuy nhiên, với tình hình không mấy khả quan của kinh tế toàn cầu, dường như quá trình chuyển đổi số ở các nhà mày đã phần nào “giảm tốc”?

– Chuyển đổi số là mục tiêu được các doanh nghiệp (DN) xác định lâu dài, không phải mục tiêu trước mắt. Thực tế, theo quan sát của tôi, suy giảm của kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng nhưng sẽ không nhiều, do các DN hiện nay đang đứng trước nhu cầu mới là chuyển đổi xanh. Với DN Việt Nam, mục tiêu này là tối cần thiết bởi Chính phủ đã cam kết Net Zero vào năm 2050.

Quá trình chuyển đổi từ tự động hóa tiến đến mục tiêu phác thải bằng 0 chắc chắn cần phải có sự tham gia của công nghệ. Bởi, việc giám sát, đo đếm phác thải, giải pháp tiết kiệm năng lượng… đều được xây dựng trên nền tảng công nghệ. Trong tiến trình xanh hóa của các ngành nghề, vai trò của chuyển đổi số rất lớn. Chuyển đổi số sẽ là phương tiện, là công cụ để phục vụ cho mục tiêu cuối cùng là chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Đồng thời, chuyển đổi số còn tạo điều kiện cho DN có thể tham gia vào thị trường tín chỉ carbon. Vì điều này mà thời gian tới, chuyển đổi số sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.

* Cụ thể, công nghệ sẽ được sử dụng thế nào trong quá trình chuyển đổi xanh, thưa ông?

– Ví dụ dễ thấy nhất là việc ứng dụng IOT vào đo đếm tự động phát thải carbon trong từng hoạt động của DN. Trong suốt quá trình sản xuất, từ công nghiệp đến nông nghiệp hay dịch vụ, hoạt động các tòa nhà… đều phát sinh carbon. Trước nay chúng ta hoàn toàn không kiểm soát các chỉ số này. Khi ứng dụng IOT, công nghệ cảm ứng, cảm biến vào các thiết bị, các chuyền sản xuất… thì DN có thể đo đếm một cách chính xác lượng phác thải của mình.

Không dừng lại ở đó, trên nền dữ liệu thu nhập được, trí tuệ nhân tạo (AI) còn có thể giúp DN phân tích, đưa ra các tư vấn, giải pháp cụ thể cho lộ trình cắt giảm tốt nhất. Tiết giảm được carbon, DN có thêm điều kiện kinh tế bằng việc tham gia vào thị trường tín chỉ xanh, ngược lại, DN sẽ phải chịu thêm chi phí mua phác thải.

Vận hành hệ thống đo lường theo thời gian thực (real-time) cần hội tụ đủ phần mềm lẫn phần cứng. Công nghệ thông tin sẽ là nền tảng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và chinh phục mục tiêu phát triển bền vững của DN, của quốc gia.

* Áp lực về mặt thời gian của quá trình chuyển đổi xanh khá lớn. Các thiết bị lẫn công nghệ phục vụ cho quá trình này đã được phát triển ở Việt Nam?

– Dù mức độ ứng dụng chưa thực sự nhiều, chủ yếu vẫn ở mức cơ bản, ví dụ như hệ thống quan trắc của các thành phố với các thiết bị lẫn công nghệ đều đã hội tụ và có thể triển khai ở Việt Nam trong thời gian ngắn.

Thực tế, việc gắn các thiết bị giám sát phác thải trên các dây chuyền sản xuất, các toà nhà… trên thế giới cũng chưa phổ biến, chỉ có ở các DN thuộc top 500. Các chính phủ, tổ chức… đều đang rất nỗ lực để kịp thời chuyển đổi, ứng dụng công nghệ để sớm chinh phục mục tiêu phát triển xanh.

* Với mục tiêu trở thành công xưởng của thế giới, cung ứng sản phẩm cho các thị trường khó tính nhất, DN Việt Nam cần chuẩn bị gì cho quá trình này?

– DN Việt Nam cần nhất là tính quyết liệt. Lộ trình chuyển đổi số để chuyển đổi xanh phải được triển khai nhanh mới có thể sở hữu lợi thế cạnh tranh. Ngược lại, DN có thể mất thị trường bởi những đòi hỏi tiêu chuẩn xanh, thân thiện với môi trường không chỉ nằm ở các tổ chức, cơ quan nhập khẩu mà đã thực sự nằm ở người dùng cuối. Khách hàng sẽ không lựa chọn các sản phẩm thiếu tính bền vững.

* Theo ông, quá trình này sẽ mang đến cơ hội nào cho kinh tế nước nhà?

– Nhu cầu chuyển đổi số để chuyển đổi xanh sẽ tạo nên cơ hội rất lớn cho các DN triển khai ứng dụng công nghệ, tạo nhu cầu lớn về mặt nhân lực cho ngành công nghệ thông tin. Đây là điều cần được chuẩn bị trước.

Với các ngành khác, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi xanh đồng nghĩa với việc con đường đưa sản phẩm đến thị trường thế giới sẽ rộng hơn. Sau rất nhiều các hoạt động phục vụ cho nhu cầu quá độ của con người, tôi nghĩ, chuyển đổi xanh có lẽ là mục tiêu lớn nhất, có thể bao hàm tất cả các mục tiêu khác, như việc khôi phục lại tài nguyên trái đất, tạo cơ hội phát triển bền vững của quốc gia, của DN…

* Xin cảm ơn ông!

Minh Kiên thực hiện

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác