,

Sự trỗi dậy của Đức

Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu của ngành nội thất Đức đạt 18,4 tỷ USD, giảm 5,24% về giá trị so với năm 2021, tương đương 1,02 tỷ USD. Tuy vậy, con số này vẫn giữ cho Đức là một trong 5 quốc gia xuất khẩu nội thất lớn nhất thế giới.

 

Ngành nội thất Đức có thể nhìn lại sự phát triển tích cực của lĩnh vực xuất khẩu trong những năm gần đây. Đồ nội thất “Made in Germany” đặc biệt phổ biến ở nước ngoài. Hiện nay 1/3 doanh số bán hàng của các nhà sản xuất nội thất Đức đến từ xuất khẩu.

Vững vàng ở châu Âu

Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu của ngành nội thất Đức đạt 18,4 USD tỷ USD, giảm 5,24% về giá trị so với năm 2021 (19,4 tỷ USD). Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức là Pháp, phát triển đặc biệt năng động với mức tăng xuất khẩu gần 26%.

Các thị trường quan trọng tại châu Âu cũng cho thấy xu hướng phát triển tích cực của nội thất Đức. Doanh số bán hàng sang Thụy Sĩ tăng khoảng 9%, Áo và Hà Lan tăng khoảng 13% mỗi nước. Thị trường Anh tăng mạnh 16% sau khi ký kết hiệp định thương mại với EU. Thị trường ngoài châu Âu quan trọng nhất đối với các nhà sản xuất đồ nội thất của Đức, tiếp sau đó là Hoa Kỳ (tăng thêm 13%). Như vậy, nếu xét về thị trường, đây là quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam – quốc gia xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ và châu Âu.

Cơ cấu xuất khẩu ngành nội thất Đức trong năm 2022 bao gồm: Pháp chiếm thị phần 13%; Thụy Sĩ 11%; Áo 10,2%; Hà Lan 9,26%; Vương quốc Anh 5,71%; Ba Lan 5,56%; Hoa Kỳ 4,85%; Bỉ 4,69%; Ý 3,64% và Tây Ban Nha 3,37%.

Nội thất y tế và nhà tiền chế

Cơ cấu hàng nội thất xuất khẩu của Đức khác biệt so với Việt Nam. Trong năm 2022 tiêu biểu là các nhóm hàng trong nhà, ghế ngồi, sofa, đèn trang trí, nệm… Nhưng đặc biệt là đồ nội thất y tế, phẫu thuật, nha khoa hoặc thú y, cụ thể là bàn mổ, bàn khám bệnh, giường bệnh với các bộ phận cơ khí, ghế bác sĩ… Ngoài ra còn có ghế cắt tóc và các loại ghế tương tự, có chuyển động xoay, ngã và nâng… Tất cả những mặt hàng này chiếm 3,2% trong cơ cấu doanh số xuất khẩu nội thất Đức, tương đương 590 triệu USD. Riêng với nhà tiền chế, ngách sản phẩm khá đặc biệt của ngành nội thất cũng mang về cho Đức 421 triệu USD mỗi năm; chiếm 2,28% doanh số.

Do thị trường nội địa Đức bão hòa và thu hẹp trong dài hạn, tăng cường tiềm lực xuất khẩu đang trở thành vấn đề sống còn của công nghiệp nội thất Đức. Một mặt, theo sự phát triển nhân khẩu học ở Đức, dân số nước này đang ngày càng giảm và bị già hóa. Mặt khác, tỷ lệ nội thất do Đức sản xuất được bán ở Đức so với nội thất nhập khẩu từ nước ngoài đã thay đổi đáng kể trong hai thập niên qua. Tỷ lệ nội thất nước ngoài được bán tại quốc gia này hiện chiếm gần 53%, cao hơn cả xuất khẩu. Do vậy, đây cũng là thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất nội thất các nước khác.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), giá trị nhập khẩu nội thất vào Đức trong năm 2022 đạt 24 tỷ USD; giảm 4,81% về giá trị so với năm 2021 (25 tỷ USD). Nhập khẩu nội thất chiếm 1,54% tổng kim ngạch nhập khẩu vào Đức. Năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu vào Đức lên tới 1,57 nghìn tỷ USD.

Các đối tác thương mại hàng đầu nhập khẩu vào Đức năm 2022 cũng là những cái tên lớn trên bản đồ nội thất thế giới như Trung Quốc chiếm thị phần 28% (6,84 tỷ USD); Ba Lan 20% (4,95 tỷ USD); Cộng hòa Séc 9,16% (2,23 tỷ USD); Ý 5,44% (1,32 tỷ USD)… Dư địa ở thị trường này dành cho các DN Việt Nam không nhỏ. Hiện Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 10 cho Đức, sản lượng và giá trị nhập khẩu từ Việt Nam đều tăng trong nửa đầu năm 2022. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.

Theo các chuyên gia, so với nhu cầu nhập khẩu của Đức, Việt Nam mới chỉ cung cấp đồ nội thất bằng gỗ với tỷ trọng nhỏ, vì vậy vẫn còn nhiều cơ hội để các DN khai thác. Đáng chú ý, nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng ngủ là những mặt hàng chính Đức nhập khẩu trong nửa đầu năm 2022, lượng nhập khẩu 3 mặt hàng này của Đức chiếm 90,3% tổng lượng đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu. Đây cũng là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Tuy nhiên tỷ trọng cả về lượng và trị giá những mặt hàng này trong tổng nhập khẩu của Đức vẫn còn thấp. Do đó, các DN cần tập trung khai thác những mặt hàng này để mở rộng thị phần tại Đức trong thời gian tới.

Diệp An tổng hợp

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác