,

Thời của máy chế biến gỗ thông minh

Gia tăng hàm lượng công nghệ, bắt kịp xu hướng xanh và đột phá hiệu suất của máy móc… là cách mà các doanh nghiệp chế tạo máy chế biến gỗ đón đầu xu hướng tiêu dùng nội thất trong tương lai.

Ngành công nghiệp máy chế biến gỗ xứ Đài giữ vị trí thứ 4 về xuất khẩu toàn cầu, với giá trị xuất khẩu đạt 900 triệu USD và chiếm 9,3% thị trường xuất khẩu toàn cầu. Hàm lượng công nghệ mới, tính ứng dụng và những đột phá từ các doanh nghiệp (DN) là điểm nhấn cho sự phát triển của ngành chế biến gỗ tại đây.

Tăng công nghệ, giảm chi phí

“Chúng tôi đã nâng cấp tủ điện với động cơ đồng bộ nam châm vĩnh cửu có thể giảm 3% đến 5% điện năng. Bộ điều khiển với phân tích chương trình giúp người dùng nắm được mức tiêu thụ của máy. Hệ thống quét bảng với chương trình được tối ưu hóa có thể tăng 7% đến 10% năng suất. Trục cưa chính xác, con lăn áp lực và chuỗi cấp liệu cung cấp tốc độ nhanh hơn 50 đến 100% so với cưa truyền thống”, ông Joe Chang – Tổng giám đốc Kuang Yung nói về dòng máy cắt gỗ mới nhất của mình như vậy.

Theo ông Joe, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thử thách, nhu cầu lớn nhất hiện nay của DN là tiết giảm chi phí. Do vậy, công tác cải tiến, ứng dụng các giải pháp tiết kiệm điện năng, nâng cao năng suất được Kuang Yung ưu tiên hàng đầu. Hiện, một hệ thống cưa động của Kuang Yung có thể thay thế 3 đến 5 máy cưa đơn hoặc nhiều máy cưa xích với năng suất như nhau. Nhờ vậy, DN có thể giảm 5 đến 10 nhân công. Kuang Yung cũng ứng dụng lưỡi cưa siêu mỏng từ 2,2 đến 2,6mm giúp giảm hao hụt ván so với lưỡi cưa truyền thống 3,4mm. Độ sắc của máy giúp cạnh dán các bảng trực tiếp mà không cần bào thêm, giảm lãng phí vật liệu.

Song song với tiết giảm chi phí, tối ưu năng suất cũng là đòi hỏi quan trọng. Ông Michael Chang – CEO Leadermac cho biết, trong tình hình đơn hàng khan hiếm, đòi hỏi về tiến độ cũng được đặt ra cao hơn.

Do vậy, khả năng đảm bảo về mặt số lượng đơn hàng sẽ là đòi hỏi lớn từ phía DN nội thất. Nắm bắt được nhu cầu này, Leadermac đã cho ra mắt máy bào 4 mặt tự động cho phép bào mịn, nhẵn tất cả những mặt gỗ một cách dễ dàng, nhanh chóng. Bên cạnh đó, máy bào 4 mặt Leadermac còn được xây dựng nền tảng hệ thống thông minh có tên là “Dreamset”, sử dụng cảm biến để thu thập dữ liệu về công suất và dòng điện của máy. Thông qua tích hợp thông tin phần mềm, các dòng sản phẩm mới của hãng đều cho phép người vận hành thiết kế các module phù hợp với nhu cầu thực tế. Theo ông Chang, nhu cầu cá nhân hóa từ phía người dùng nội thất buộc các DN trong ngành bên cạnh số lượng và chất lượng, còn phải có khả năng tùy biến cao. Do vậy, hệ thống máy chế biến gỗ cũng phải có tính cá nhân hóa, hiện đại hóa nhưng vẫn phải đơn giản hóa để thuận lợi trong vận hành.

Mục tiêu phát triển bền vững

Thông điệp thân thiện môi trường, giảm thiểu tác động đến tự nhiên được thể hiện rõ ở các dòng máy chế biến gỗ mới như: Kuang Yung với khả năng phân tích và quản lý dữ liệu sản xuất bao gồm dữ liệu về điện năng để giúp DN tiết kiệm năng lượng và giảm carbon; Innovator Machinery với hệ thống sản xuất veneers thông minh, tiết kiệm nguyên liệu; Hệ thống máy hiệu suất suất cao từ Leadermac có thể giảm 20% tiêu thụ điện năng…

Ông Shawn F.C. Teng – Giám đốc kinh doanh quốc tế dòng máy CNC Anderson cho biết, yêu cầu thị trường ngày càng cao, hướng đến trọng tâm là xu hướng phát triển bền vững. Trước đòi hỏi chính đáng này, các DN chế tạo máy buộc phải theo dõi các khuyến cáo về mặt môi trường, ứng dụng phần mềm quản lý, thiết bị điện lưu tối ưu hóa lượng điện sử dụng và đo lường, thống kê các chỉ số hao mòn để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Hệ thống sản xuất thông minh của Anderson được tích hợp với máy CNC và kết nối bằng phần mềm do Anderson tự phát triển, tích hợp nhiều quy trình sản xuất và quản lý thiết bị của nhà máy vào một dây chuyền sản xuất tự động. Anderson cũng theo đuổi mục tiêu sử dụng các sản phẩm tái chế trong sản xuất, tiết giảm tối đa các sản phẩm dùng một lần.

Quan sát thị trường Việt Nam, ông Teng cho rằng tự động hóa là lựa chọn không thể khác. Bởi thời gian tới, các DN Việt Nam sẽ không còn đi theo chiến lược cạnh tranh về giá mà hướng tới dòng nội thất cao cấp, nhu cầu sử dụng máy móc công nghệ cao. Tự động hóa sẽ giúp DN Việt nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như đạt đến mục tiêu phát triển bền vững.

Đồng quan điểm, ông Ian Chang – Giám đốc điều hành Innovator cũng cho rằng, song song với đầu tư hệ thống tự động hóa, DN chế biến gỗ cũng cần nâng cao năng lực quản trị, khả năng thích ứng và không ngừng mở rộng ứng dụng các giải pháp công nghệ để phục vụ nhu cầu này. Cụ thể Innovator là doanh nghiệp đầu tiên tại châu Á đã phát triển dây chuyền sản xuất veneers thông minh, vươn lên xếp hạng thứ 3 toàn cầu về công nghệ sản xuất veneers, giúp giảm hao hụt ghép nối do xử lý thủ công và tiết kiệm được chi phí nhân công tối đa từ 8 đến 10 nhân công xuống chỉ còn 2 đến 3 nhân công. “Chúng tôi nâng cao chất lượng mỗi ngày để tiệm cận với các đối thủ cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn đến từ Đức và các nước châu Âu khác, sao cho tiêu chuẩn đạt 90% công năng so với các sản phẩm cùng loại nhưng giá cả thì kinh tế hơn”, ông Ian Chang chia sẻ.

MINH HỒ

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác