Sự trỗi dậy của thương mại 3D, mua sắm trên thiết bị di động, giao hàng liền mạch, trí tuệ nhân tạo (AI) và trải nghiệm siêu cá nhân hóa là những xu hướng ngày càng phổ biến trong thế giới nội thất.
Các thế hệ bản địa kỹ thuật số, như Millennials và Gen Z, coi trọng trải nghiệm hơn sản phẩm và họ cũng quen với việc mua sắm trực tuyến qua các cửa hàng thương mại điện tử và mạng xã hội. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp (DN) nội thất sẽ phải cung cấp trải nghiệm mua sắm thú vị từ đầu đến cuối, bao gồm cả các điểm tiếp xúc trực tuyến và ngoại tuyến.
Trải nghiệm từ đầu đến cuối
Thương mại điện tử của đồ nội thất vẫn đang trên đà phát triển. Theo Statista, vào năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường thương mại điện tử đồ nội thất lớn nhất trên toàn thế giới, với doanh thu ước tính hơn 90 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ hai, với doanh thu bán lẻ của thương mại điện tử đồ nội thất đạt xấp xỉ 45,8 tỷ USD. Danh sách các quốc gia có doanh thu thương mại điện tử nội thất cao nhất cũng bao gồm Đức, Nhật Bản, Anh và Pháp.
Không có gì ngạc nhiên khi Hoa Kỳ dẫn đầu về doanh thu thương mại điện tử đồ nội thất. Dữ liệu từ Statista cho thấy tỷ lệ thâm nhập thị trường của thương mại điện tử đồ nội thất ở Hoa Kỳ trong năm 2023 là hơn 36%. Cũng theo tổ chức này, mức tăng trưởng dự báo trong giai đoạn 2024 đến năm 2028 tổng cộng là khoảng 7,6%. Chỉ số này ước tính sẽ đạt hơn 46% vào năm 2028.
Đầu tư công nghệ là chắc chắn
Trong thế giới thương mại điện tử đồ nội thất phát triển nhanh chóng, các DN không ngừng tìm kiếm những cách thức sáng tạo để thu hút và chuyển đổi khách hàng.
Dữ liệu từ một nghiên cứu được ủy quyền do Forrester Consulting thực hiện thay mặt Chaos Cylindo cho thấy: 100% số người tham gia khảo sát đang có kế hoạch đầu tư vào công nghệ mới trong 12 tháng tới. Hơn 2/3 số DN nội thất (68%) đang có kế hoạch đầu tư 10% – 25% ngân sách của họ cho công nghệ mới, tiếp theo là 17% dự định đầu tư đáng kể vào công nghệ mới (hơn 25% ngân sách).
Khi được hỏi về loại công nghệ dự định mở rộng trong 12 tháng tới, 59% DN nội thất cho biết việc trực quan hóa sản phẩm bằng hình ảnh 3D là ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là hệ thống hậu cần và quản lý hàng tồn kho tự động (35%), phòng trưng bày thực tế ảo (32 %), và thực tế tăng cường để xem trước sản phẩm (29%).
Các DN nội thất bắt buộc phải cập nhật các xu hướng công nghệ mới nhất. Với những thách thức mới nảy sinh, các thương hiệu và nhà bán lẻ phải liên tục thích ứng và phát triển, đánh giá lại các phương pháp cũ và kết hợp các công nghệ mới. Khả năng đổi mới và chuẩn bị cho sự thay đổi đang trở thành nền tảng thành công và là yêu cầu sống còn cho sự tồn tại của họ.
Các DN nội thất đang lạc quan vì một cơn gió thuận chiều sắp thổi tới: thế hệ Millennials. Bất chấp những khó khăn của thị trường nhà đất, thế hệ Millennials vẫn sẽ là động lực trong những năm tới. Theo profile 2023 của Home Buyers and Sellers, do Hiệp hội Môi giới bất động sản toàn quốc (NAR) xuất bản, người mua nhà lần đầu điển hình có độ tuổi là 35 (độ tuổi lớn thứ hai trong vòng bốn thập niên theo dữ liệu của NAR).
Tuy nhiên, sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục là 26% số người mua nhà vào năm 2022, những người mua nhà lần đầu đã bật tăng trở lại vào năm 2023, chiếm 32% doanh số bán. Theo báo cáo của Furniture Today, thế hệ trẻ chiếm một phần đáng kể trong hoạt động mua sắm nội thất, với 7/10 giao dịch là của người mua thuộc Gen Z và thế hệ Millennials. Theo nghiên cứu tương tự của Snap Finance, người tiêu dùng đồ nội thất trung bình có thu nhập từ 50 – 75 nghìn USD.
Câu hỏi đặt ra là: Sự chuyển đổi thế hệ này có ý nghĩa gì với các DN nội thất? Giải pháp không thể khác là điều chỉnh. Thế hệ Millennials là những người am hiểu công nghệ, họ tiếp thu các phương tiện truyền thông theo cách khác. Là thế hệ bản lề của thời đại kỹ thuật số, họ có xu hướng mua sắm trực tuyến. Các DN nội thất nếu muốn thu hút thế hệ Millennials và sự chú ý của Thế hệ Z sẽ phải điều chỉnh hoạt động cung cấp sản phẩm cho họ, chú trọng các sản phẩm nội thất có đường nét gọn gàng (kiểu dáng hiện đại, với lớp hoàn thiện sạch sẽ và vật liệu tự nhiên), tập trung vào trực quan hóa sản phẩm chất lượng cao và tạo nội dung mới mẻ, hấp dẫn về mặt hình ảnh cho các kênh khác nhau.
Thế giới đang ở trong tình trạng kinh tế phức tạp. Các DN nội thất cần nhanh nhạy để đối phó với tác động của bối cảnh kinh doanh đang thay đổi.
Diệp Anh (Theo Forrester Consulting)