,

Văn phòng vẫn cần nội thất

Nội thất văn phòng thế giới năm 2022 đạt tổng giá trị sản xuất là 52,4 tỷ USD. Trong cơn bão lạm phát, ngành hàng này đang đương đầu với nhiều áp lực, nhưng vẫn có cơ hội tăng trưởng.

Theo báo cáo “Ngành nội thất văn phòng thế giới” của Trung tâm nghiên cứu công nghiệp Ý (CSIL), sau quá trình sụt giảm được ghi nhận vào năm 2020 do hậu quả của đại dịch Covid-19, năm 2021 sản xuất toàn cầu ghi nhận mức phục hồi 14% của nội thất văn phòng, tính theo giá hiện hành, và một lần nữa bị sụt giảm vào năm 2022 với mức giảm là 3% so với năm trước.

11% tổng giá trị ngành nội thất

Trong khi nhu cầu tiêu thụ nội thất văn phòng ở Bắc Mỹ tăng trưởng vào năm 2022, thì châu Âu gần như không thay đổi và châu Á – Thái Bình Dương lại ghi nhận mức giảm hai con số. Tuy nhiên, về mặt này, các chuyên gia CSIL cho rằng, cần chú ý đến vấn đề tiền tệ. Bởi tất cả các thị trường đều ghi nhận giá trị dựa trên đơn vị tính bằng USD và chịu ảnh hưởng của biến động tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, một yếu tố khác cần được xem xét là lạm phát, dẫn đến giá cả nói chung đều tăng lên trên toàn thế giới và đang điều chỉnh hoạt động của mỗi quốc gia.

Thống kê từ CSIL cho thấy, nội thất văn phòng chiếm khoảng 11% tổng sản lượng nội thất thế giới. Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực sản xuất chính với 48% thị phần, tiếp theo là Bắc Mỹ, chiếm 29%, châu Âu xếp thứ ba với tỷ lệ là 19% sản lượng toàn thế giới. Các khu vực địa lý khác có thị phần không đáng kể. Việc sản xuất nội thất văn phòng chỉ tập trung cao độ ở 8 quốc gia, chiếm khoảng 79% tổng sản lượng, bao gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Canada, Ý và Ba Lan.

Tăng trưởng ít, nhưng đều

Hoạt động kinh doanh nội thất văn phòng trên thế giới (tính theo giá USD hiện tại) đạt đỉnh vào năm 2021, tăng 23%, sau đó giảm 10% vào năm 2022 với tổng giá trị là 12,7 tỷ USD (theo tính toán sơ bộ). Theo dự báo của CSIL, hoạt động kinh doanh nội thất văn phòng thế giới dự kiến sẽ tăng 2% vào năm 2023 và 3% vào năm 2024.

Tỷ lệ xuất khẩu so với sản xuất ở thị trường nội thất văn phòng hiện vào khoảng 26%. Mặc dù tỷ lệ này đang tăng lên (đạt mức 21% vào năm 2016), nhưng vẫn còn thấp so với các mã hàng khác trong ngành nội thất, với tỷ lệ xuất khẩu/sản xuất là khoảng 39%. Phần lớn nội thất văn phòng xuất khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc, Canada, Đức, Ba Lan và Ý, rồi đến Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Vương quốc Anh và Hà Lan. Trung Quốc giữ thị phần xuất khẩu lớn nhất thế giới, chiếm 40% tổng lưu lượng. Tuy nhiên, cần lưu ý Trung Quốc đã mất 7 điểm phần trăm vào năm 2022 do sản lượng giảm.

Ghế văn phòng giữ vai trò chủ đạo

Trong ba năm qua, thị trường chứng kiến sự gia tăng của một số quá trình cấu trúc, dẫn đến địa điểm làm việc trở nên đa định dạng, linh hoạt hơn. Nhân viên có nhiều lựa chọn, làm việc từ xa nhiều hơn, với các địa điểm vệ tinh hoặc ngoại ô, không tốn thời gian đi lại nhiều. Hình thức làm việc ở nhiều địa điểm (nhà riêng, trụ sở chính, văn phòng linh hoạt hay quán cà phê) phản ánh sự đa dạng của các nhiệm vụ và sở thích của nhân viên.

Từ nhu cầu thực tế đó, việc tiêu thụ ghế văn phòng (hay đúng hơn là ghế làm việc tiện dụng) đã tăng trưởng theo cấp số nhân. Trong hai năm qua, tỷ trọng của sản phẩm này trong tổng lượng tiêu thụ đã tăng lên ở hầu hết các quốc gia. Một lần nữa, làm việc từ xa, dù chỉ vài ngày một tuần, là động lực đằng sau xu hướng này. Cũng cần nhấn mạnh rằng sự tăng trưởng này nổi bật nhất với các sản phẩm thuộc mức giá trung bình.

Bàn có thể điều chỉnh độ cao là một phân khúc phát triển nhanh khác trong ngành kinh doanh nội thất văn phòng. Trong năm năm qua, sự hiện diện của loại bàn này đã trở nên phổ biến không chỉ ở châu Âu mà còn ở Bắc Mỹ. Hầu như tất cả các công ty nội thất văn phòng lớn trên thế giới đều giới thiệu bộ sưu tập bàn làm việc đứng và những sản phẩm này cũng xuất hiện ở cấp độ bán lẻ.

Xu hướng bán hàng đa kênh

Hai năm qua, các công ty trong ngành đã đánh giá lại hoạt động phân phối và hậu cần cho thị trường nội thất đang ngày càng trở nên phân mảnh, giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử và lập kế hoạch đầu tư vào công nghệ.

Hoạt động bán lẻ đa kênh cung cấp một mô hình kinh doanh bổ sung để tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Nhưng theo CSIL, hoạt động phân phối nội thất văn phòng vẫn đòi hỏi mức độ chuyên môn hóa cao, với các chuyên gia bán hàng trực tiếp, chuyên gia về nội thất văn phòng và các đại lý độc quyền chiếm phần lớn nhất trong tổng số. Mỗi thị trường có các hệ thống phân phối đặc thù và đôi khi chúng rất khác biệt tùy theo từng quốc gia. Ví dụ, tỷ lệ kênh bán hàng trực tiếp ở Nhật Bản rất cao, hầu như không có công ty nào kiểm soát thị trường. Tại Trung Quốc, bán hàng trực tiếp (kể cả bán theo hợp đồng) chiếm gần một nửa thị trường, do các cam kết của Chính phủ được thực hiện mạnh mẽ. Còn ở châu Âu và Bắc Mỹ, chuyên gia hoặc đại lý độc quyền lại chiếm phần lớn. Ở Ấn Độ, hoạt động phân phối không theo tổ chức vẫn chiếm 70% thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp có tổ chức (bán theo hợp đồng, nhà bán lẻ, showroom, nhà nhập khẩu) đã tăng nhanh trong thập niên vừa qua, từ 15% lên 30% trong tổng số. Nắm bắt được đặc thù này, doanh nghiệp sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường hơn.

MẠNH HOÀNG
(Theo Worldfurnitureonline)

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác