,

Ba bước thực thi chiến lược R&D thành công

Điều đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn khi nghĩ về nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp của mình là gì? Đa phần, bạn sẽ ngay lập tức chuyển sang nghiên cứu dựa trên sản phẩm, nhưng R&D có thể (và nên) hơn thế nữa.

Có vô số khía cạnh khi doanh nghiệp (DN) của bạn đổi mới sẽ tạo ra sự khác biệt to lớn, không chỉ với sản phẩm và dịch vụ, mà còn ở những lĩnh vực khác rộng hơn, như hiệu quả của luồng khách hàng và hệ thống có thể giúp DN hoạt động trơn tru hơn.

Điều quan trọng ở R&D là tận dụng những gì bạn có và thực hiện những nghiên cứu cần thiết để nâng cao năng lực và tính hiệu quả, điều này quan trọng đối với tất cả các chủ DN, bất kể quy mô công ty hay ngành nghề. Theo kinh nghiệm của tôi, có ba bước quan trọng (và giúp tiết kiệm thời gian) để thực thi một chiến lược R&D thành công và hiệu quả cho DN của bạn.

1. Xây dựng khung chiến lược rõ ràng

Tôi dám chắc nhiều doanh nhân cho rằng họ không thiếu ý tưởng hay được đưa ra về cách cải thiện DN của mình. Vì vậy, bước đầu tiên hướng tới việc xây dựng khung chiến lược của bạn là chống lại thôi thúc “đun sôi đại dương” và hiểu được cần tập trung vào R&D cho những khía cạnh nào của DN.

Bạn tự hỏi bản thân xem công việc kinh doanh hiện tại cần những gì để đạt được mục tiêu, sau đó xác định những hạn chế đang gặp phải và những việc cần thay đổi hoặc cải thiện để DN đạt được kết quả mong muốn. Khi đã biết mình đang ở đâu và muốn đi đến đâu, hiểu rõ mục tiêu và mục đích, bạn có thể bắt đầu đi sâu vào cách tiếp cận các yếu tố quyết định thành công, các con số đo lường và báo cáo của mình.

Tôi tin rằng chiến lược là vấn đề quan trọng nhất để phân bổ nguồn lực khan hiếm, vì vậy bạn nên chọn lọc, kiểm tra một cách thích hợp, phân tích các số liệu và xác định nơi bạn cần điều chỉnh nếu có điều gì đó không hiệu quả, đồng thời đảm bảo có sẵn nguồn lực để bạn làm điều đó.

2. Chỉ định một nhóm R&D chuyên biệt

Có một nhóm chuyên biệt để quản lý R&D với các vai trò và trách nhiệm được phân công cẩn thận sẽ giúp xác định liệu chương trình R&D của bạn có đang được thực hiện hiệu quả hay không. Tất cả thành viên trong nhóm cần biết cấu trúc của nhóm và những ai chịu trách nhiệm nghiên cứu, thiết kế, triển khai sản phẩm, quy trình hoặc dịch vụ mới, và quan trọng nhất, là họ cần biết cách kiểm tra nó. Bạn cũng sẽ muốn xác định ai là người chịu trách nhiệm đưa ra quyết định “làm” hay “không làm” và đảm bảo mọi người hiểu rõ các thời điểm đưa ra quyết định vững chắc đó. Bằng cách này, bạn có thể đo lường khi có điều gì đó đang vận hành hoặc khi cần phải thay đổi.

Điều này không có nghĩa là bạn cần những nhân viên chuyên biệt 100%. Nếu DN không đủ lớn cho một nhóm chuyên biệt thì bạn cần có một biện pháp giao trách nhiệm nào đó. Bạn cần biết rõ ai là người chịu trách nhiệm thúc đẩy chương trình và những cột mốc rõ ràng để đo lường tiến độ, để nó không trở thành một suy nghĩ muộn màng khi các khía cạnh khác của DN bắt đầu cần được chú ý.

3. Môi trường thử nghiệm thích hợp

Bước cuối cùng trong việc xác định hiệu quả của chương trình R&D là đảm bảo bạn có môi trường thử nghiệm phù hợp.

Ví dụ, nếu bạn có một nhà hàng và đưa thêm một món mới vào thực đơn nhưng mọi người không mua nó, có thể bạn chưa thử nghiệm kỹ đó có phải là một sản phẩm tốt hay không. Không phải chỉ nói rằng “chúng tôi đã thay đổi dịch vụ này” hoặc “chúng tôi đã thử sản phẩm đó” là đủ. Bạn phải đầu tư trọn gói. Sản phẩm có thể hoàn toàn tốt, nhưng bạn đã tiếp thị nó chưa? Bạn đã nói về nó chưa? Nhân viên đã được đào tạo về cách quảng bá nó chưa? Một môi trường thử nghiệm tốt sẽ chỉ rõ nơi bạn cần thực hiện điều chỉnh bằng cách tính đến tất cả các yếu tố này. Nếu không, một chương trình hoàn toàn tốt cũng có thể thất bại chỉ vì không được điều chỉnh một vài chỗ.

Một số chủ DN ngần ngại với R&D vì chi phí và sự không chắc chắn, nhưng họ cũng cần nghĩ về rủi ro của việc đình trệ. Liệu các đối thủ cạnh tranh có vượt qua bạn không? Liệu bạn có bị soán ngôi trên thị trường không? Khách hàng của bạn có chọn thứ gì đó tốt hơn hoặc hiệu quả hơn không?

Hãy để tôi chia sẻ một câu chuyện thành công gần đây về chương trình R&D từ một trong những thương hiệu của công ty tôi. Đầu năm nay, chúng tôi đã tuân theo ba bước này để cải thiện việc chuyển đổi chương trình thành viên. Chúng tôi bắt đầu với một khung chương trình rõ ràng, bao gồm phương pháp tiếp cận dài hạn đối với đào tạo bán hàng và chuyển đổi (trực tuyến và trực tiếp), đơn giản hóa tài liệu tiếp thị thành viên và xây dựng một bảng điều khiển trực tuyến mới để đo lường thành công. Kết quả rất ấn tượng: Từ tháng 1 đến tháng 7, tỷ lệ chuyển đổi thành viên trung bình tại một trong những thương hiệu nhượng quyền của chúng tôi là 16,4%. Vào tháng 10, nỗ lực của thương hiệu đã đạt được mức tăng 5% về tỷ lệ chuyển đổi trung bình.

Tôi nhận thấy rủi ro đình trệ luôn lớn hơn rủi ro đổi mới, nhất là khi bạn thực hiện các chương trình R&D với một chiến lược được suy nghĩ kỹ lưỡng, một nhóm R&D chuyên biệt và một môi trường thử nghiệm thích hợp. Đổi mới luôn quan trọng đối với một công ty thành công, bất kể quy mô hay cấu trúc. Các DN có lợi thế đổi mới là những DN có khả năng mở rộng quy mô, thu hút nhân tài tốt và luôn đứng đầu trong một thị trường ngày càng đông đúc.

Điểm mấu chốt: Tình hình kinh tế hiện tại chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, và nếu có cơ hội, bạn nên tiếp tục đổi mới.

Matthew Stanton, cựu thành viên Hội đồng Forbes, giám đốc phát triển thương hiệu WellBiz Brands, quản lý các thương hiệu nhượng quyền: Amazing Lash Studio, Elements Massage, Fitness Together.

Hiệp Ca (Matthew Stanton, forbes.com)

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác