Gỗ và các sản phẩm từ gỗ luôn được đánh giá là nhóm những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu. Để giữ vị thế là nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, trong bối cảnh hiện nay, ngành gỗ cần thêm nhiều lợi thế cạnh tranh mới.
Đơn hàng chỉ đạt khoảng 35-40% năng lực sản xuất, có thị trường gần như đóng băng dẫn đến phải cắt giảm lao động, đóng cửa nhà máy… là tình trạng chung hiện nay của nhiều doanh nghiệp (DN) các ngành nghề, trong đó có chế biến gỗ.
Những rào cản ở tương lai
Với năng lực lẫn nỗ lực của ngành, cộng với nhu cầu tiêu thụ nội thất của thế giới vẫn sẽ tăng trong tương lai, thực trạng đó chưa phải là thách thức lớn nhất.
Điều cần quan tâm hiện nay là các rào cản về phòng vệ thương mại, chính sách bảo hộ ở nhiều thị trường chủ lực có chiều hướng gia tăng. Ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt với những cáo buộc liên quan đến chống bán phá giá và chống trợ cấp không chỉ ở một mà vài quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc…
Xu hướng thương mại toàn cầu hiện nay không chỉ cạnh tranh về giá mà đặt ra những yêu cầu về chất lượng và thương hiệu. Không ít DN sản xuất, xuất khẩu đồ nội thất đã gặp khó khăn từ các rào cản kỹ thuật, các yêu cầu, quy định xuất khẩu tại các thị trường thế mạnh. Thực tế, dù hạn ngạch xuất khẩu cao nhưng chất lượng các mặt hàng xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ còn chưa duy trì sự đồng đều, ổn định. Khả năng cạnh tranh của các DN trong ngành dù đã cải thiện song chưa cao, chưa tương xứng với vị thế quốc gia xuất khẩu lâm sản hàng đầu. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem nhiều dư địa cho ngành gỗ, song DN vẫn chưa khai thác hết được những lợi ích mà việc hợp tác này mang lại.
Bên cạnh yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, yêu cầu xanh và bền vững… thời gian tới sẽ thực sự là thách thức đối với nhiều DN chế biến gỗ Việt Nam. Không còn là tự nguyện, các tiêu chí xanh, bền vững sẽ trở thành điều kiện bắt buộc phải có, nếu muốn thâm nhập vào thị trường tiêu thụ các nước. Không chuẩn bị từ bây giờ, khả năng bị mất thị phần vào các quốc gia có chiến lược phát triển bền vững khác hoàn toàn có thể xảy ra.
Nỗ lực thích ứng để tạo bước tiến
Là ngành có đóng góp lớn vào thu nhập quốc gia, tạo được công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, có thể khẳng định ngành gỗ là một trong những đối tượng được Bộ Công Thương dành nhiều ưu tiên đặc biệt trong quá trình triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại. Bộ Công Thương đã và đang huy động các nguồn lực cả trong và ngoài nước, phối hợp với các hiệp hội để có thể triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu như: Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chương trình thương hiệu quốc gia cũng như các hoạt động trong khuôn khổ các dự án hợp tác với các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài…
Bộ Công Thương cũng thường xuyên phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hiệp hội, DN ngành gỗ tham gia những hội chợ, triển lãm quốc tế, sự kiện thương mại chuyên ngành quy mô cả trong và ngoài nước để các DN có cơ hội trực tiếp kết nối với nhà nhập khẩu của các thị trường xuất khẩu. Hệ thống các thương vụ, tổ chức xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài đang rất nỗ lực trong việc hỗ trợ các DN Việt Nam, các hiệp hội ngành gỗ nắm bắt thông tin thị trường, nhu cầu xuất nhập khẩu, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để có kế hoạch, chiến lược xuất khẩu, tiếp cận thị trường. Đồng thời cảnh báo sớm các rào cản thương mại, chính sách bảo hộ tại các thị trường và đồng hành cùng DN trong những vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại.
Khó khăn có thể tiếp tục bao phủ lên bức tranh kinh tế từ nay đến cuối năm, thậm chí sang năm 2024. Không chỉ phải vững vàng ở các thị trường trọng điểm, DN cần chú trọng khai thác những thị trường, khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam. Đồng thời, xây dựng chiến lược thâm nhập các thị trường mới, thị trường tiềm năng. Công tác xây dựng quảng bá thương hiệu, hình ảnh của ngành gỗ và các sản phẩm gỗ, nội thất Việt Nam tại thị trường xuất khẩu thế mạnh sẽ được Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, các bộ, ngành Trung ương tăng cường xây dựng thêm trong thời gian tới nhằm hỗ trợ tối đa cho DN.
Như đã nói, chế biến gỗ là một ngành có nhiều lợi thế, trong bối cảnh mới, đòi hỏi thị trường quốc tế lẫn trong nước đều có những thay đổi nhất định. Ngành cần thiết phải chuẩn bị từ bây giờ những lợi thế cạnh tranh mới để có thể giữ được vị thế và vị trí của mình trên bản đồ xuất khẩu. Nắm bắt xu hướng thị trường, tăng cường phối hợp để có thể kiến tạo sức mạnh chung trong cộng đồng DN địa phương, ngành hàng là lo cho hiện tại. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… để có thể kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường là chuẩn bị cho tương lai. Tương lai đó không hề xa, bởi những quy định về phác thải carbon, truy xuất nguồn gốc đất trồng… sẽ sớm được đưa vào thực tiễn.
Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại
B.Y ghi