Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng về điều tra xem xét lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam đến tháng 10/2023. Trước đó, gỗ dán từ Việt Nam xuất sang thị trường này đã mất lợi thế khi các cáo buộc được chính thức ban hành.
Tháng 7/2023, DOC công bố áp mức thuế cho 37 doanh nghiệp (DN) gỗ dán Việt Nam. Mức đặt cọc nêu trong phán quyết sơ bộ là 183,36% cho thuế chống bán phá giá và 22,98% cho thuế chống trợ cấp. Các DN này đồng thời không được hưởng cơ chế tự xác nhận.
Tình ngay lý gian?
Theo ông Ngô Sĩ Hoài – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) phán quyết của DOC gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chế biến gỗ Việt Nam. Gỗ dán hiện được xem là mặt hàng tiềm năng bởi nhu cầu thị trường Mỹ cao. Báo cáo của nhóm nghiên cứu Forest Trends, trong năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gỗ dán/gỗ ghép 2,74 triệu m3, đạt 1,03 tỷ USD, chiếm 6,6% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Riêng doanh số xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ lên đến 745 triệu USD. Trong khi đó, DN Việt Nam lại có khả năng cung ứng tốt. Do vậy, thời gian qua, các DN chế biến gỗ ở khu vực Thanh Hóa, Nghệ An… đã đầu tư rất lớn cho thiết bị, dây chuyền sản xuất để thâm nhập thị trường này. “Tiềm năng xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ có thể tăng gấp đôi nếu không có phán quyết bất lợi như hiện nay”, ông Hoài nói.
Việt Nam có lợi thế về gỗ rừng trồng hợp pháp, có thể chứng minh được nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu. Theo ông Hoài, thực tế 2 đoàn điều tra của Hoa Kỳ sang Việt Nam điều tra không có bằng chứng nào chứng tỏ việc gian lận nhập khẩu các cấu kiện từ Trung Quốc. Đại diện Viforest khẳng định: “Tình ngay lý gian. Nguyên nhân dẫn đến các cáo buộc này phần lớn do DN không thành công trong việc khai báo hồ sơ”.
Đồng quan điểm, theo ông Cao Xuân Thanh, chuyên gia Phòng vệ thương mại của Viforest, sự sẵn sàng của các DN trong việc phản biện hoàn toàn không có. Điển hình nhất là khâu lưu trữ tư liệu, chứng từ. DN cũng chưa số hóa các chứng từ kinh doanh trong 3 đến 5 năm nên không chứng minh được hoạt động thực tế của mình. “Từ bây giờ, DN phải lưu ý các biên bản phản biện nộp trên hệ thống đều phải lưu lại để phòng công tác kiểm tra sau này”, ông Thanh tư vấn.
Sau phán quyết của DOC, 19 DN trong danh sách hợp tác tốt được hưởng cơ chế tự khai báo cáo trên cơ chế tự xác nhận. Dù sau này vẫn có thể bị kiểm tra ngẫu nhiên nhưng nhóm DN này có lợi thế hơn so với các DN khác. Hiện DOC vẫn đang xem xét để có các quyết định tiếp theo về việc có cho cơ chế tự chứng nhận với các DN mới hay không.
“Vận hạn” tủ gỗ, bàn trang điểm và cấu kiện đã đến
Đối chiếu với cáo buộc điều tra 301, Việt Nam đã thành công trong việc điều trần, tự vệ quốc gia nhưng trong lần điều trần chống lẩn tránh, chống phá giá này có quy mô nhỏ hơn, nhiều DN dù đã thuê luật sư, tốn kém không ít nhưng vẫn không thành công. Đây là điều hết sức đáng tiếc. Tuy nhiên, rủi ro sẽ còn cao hơn khi DOC điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, bao gồm tủ bếp, bàn trang điểm và cấu kiện.
Trước đó, ngày 17/3/2023, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ. Theo DOC, sản phẩm có thành phần cửa, mặt hộc và khung gỗ sản xuất tại Trung Quốc, sau đó được lắp ráp tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam sẽ thuộc phạm vi lệnh áp thuế gốc với Trung Quốc.
DOC chưa có kết luận về sản phẩm có cửa, mặt hộc và khung gỗ là bán thành phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tiếp tục gia công tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam; và sản phẩm có các chi tiết bán thành phẩm của cửa, mặt hộc và khung gỗ (bao gồm đai, trụ, ván) được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tiếp tục gia công tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam. Riêng ván đá chân được sản xuất tại Trung Quốc, và được kết hợp tại Việt Nam với các cấu phần cần thiết khác để tạo thành một tủ gỗ hoàn chỉnh tại Việt Nam sẽ không thuộc phạm vi lệnh áp thuế gốc với Trung Quốc.
“Xuất khẩu gỗ dán chỉ hơn 700 triệu USD nhưng xuất khẩu tủ bếp, bàn trang điểm và cấu kiện vào thị trường Mỹ có giá trị lên đến hơn 1 tỷ USD. Thiệt hại sẽ rất lớn nếu cáo buộc từ DOC thành hiện thực”, ông Ngô Sỹ Hoài nhận xét. Theo ông Hoài, phán quyết này nếu thành hiện thực sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Do vậy, các DN cần hết sức cẩn trọng trong công tác giải trình.
Theo ông Cao Xuân Thanh, lỗi phổ biến hiện nay của các DN Việt Nam là ít đăng nhập tài khoản, nộp phản biện quá hạn, không để ý thời hạn nộp hồ sơ dẫn đến nộp muộn, tài liệu không đúng chuẩn. “Rút kinh nghiệm bài học từ gỗ dán, DN cần thường xuyên đăng nhập tài khoản, lưu ý từng chi tiết nhỏ như: thời gian làm việc, quy định về dung lượng tài liệu định dạng thư, mã vụ việc… để tránh những cáo buộc không đáng có”, ông Thanh tư vấn.
Nguyễn Lê