Chuyện kể rằng, có một chủ doanh nghiệp (DN) lớn của ngành chế biến gỗ, có xưởng sản xuất quy mô, có quy trình xử lý bề mặt “ra ngô ra khoai”, chuyên làm đồ gỗ xuất khẩu cho các thị trường lớn nhưng khi xây nhà, ông ấy phải thuê một đơn vị gia công khác để sơn cửa chính cho tổ ấm của mình. Giá gia công bộ cửa ấy bằng với giá mà nhiều đơn vị khác bán nguyên gói, nghĩa là, vừa có sơn, vừa có gỗ, vừa có công lao động trong đó. Tại sao? Vì sao một người am hiểu trong ngành lại có quyết định khiến nhiều người thấy khó hiểu như thế? Câu trả lời là vì đam mê, vì ông muốn có một sản phẩm hoàn hảo hơn nữa. Để được vậy, sau chế tác, bộ cửa ấy cần phải thêm một quá trình xử lý để có thể đẹp hơn, ấn tượng hơn, bền chắc hơn với thời gian. Đó chính là finishing (hoàn thiện bề mặt) – một công nghệ “ma thuật”!
Xét về yếu tố thị trường, có một thực tế là số khách hàng am hiểu về gỗ không nhiều. Ước tính, chỉ có khoảng 7% người trên thế giới tường tận về gỗ. Ở Việt Nam, con số này chỉ khoảng 2%. Phần đông còn lại đều bị chinh phục bởi các yếu tố trực quan: kiểu dáng, màu sắc, bề mặt… sau đó mới là câu chuyện của tính năng, của nguyên liệu… đồng nghĩa là quyết định mua hàng phụ thuộc rất lớn vào bề ngoài. Rất nhiều khách hàng sẵn sàng chi trả giá khá cao cho những mẫu nội thất có “bộ vó” hay “nước da” đẹp. Đó chính là lý do, finishing được xem là chiếc áo thời trang cho những món đồ nội thất. Vậy thì tại sao chúng ta không đầu tư thêm một chút cho công nghệ bề mặt, để chinh phục khách hàng dễ dàng hơn và bán hàng với giá cao hơn?
Nếu tính toán về mặt con số, nếu được xử lý công nghệ bề mặt tốt, giá trị sản phẩm xuất khẩu có thể tăng thêm vài chục đến cả trăm phần trăm. Những năm trước, finishing vẫn là khái niệm mới nhưng thời gian gần đây, thuật ngữ này ngày càng phổ biến và đến bây giờ thì đã là yếu tố không thể thiếu với DN. Tuy nhiên, sự quan tâm này đáng tiếc lại mới chỉ dừng ở mức trung bình, thụ động theo yêu cầu của khách. Vẫn còn ít DN chủ động đầu tư chủ động yếu tố này. Quan sát thị trường sẽ thấy, số DN có khả năng finishing tốt ở Việt Nam chưa nhiều. Đây là điều rất đáng tiếc, bởi chỉ cần số DN này nhiều hơn, doanh số xuất khẩu cũng sẽ góp phần cao hơn, vị thế sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ nâng tầm. Bởi, nhìn ở bình diện xu hướng của từng thị trường, dễ thấy luôn có sự chênh lệch. Ví dụ, ở thị trường Mỹ, gam màu gỗ sẽ trầm hơn trong khi ở Châu Âu, gam màu gỗ sáng thường được ưa chuộng. Nghĩa là, nếu finishing tốt, DN sẽ có khả năng tùy biến, tăng mức độ phù hợp với nhiều nhóm khách hàng với cùng một mẫu mã và loại nguyên liệu.
Rất nhiều DN chế biến gỗ Việt Nam sau khi thành công ở các thị trường nước ngoài họ đang khát khao chinh phục thị trường nội địa, nhưng ước mơ ấy vẫn chưa thể thành hiện thực. Ở thị trường này, khách hàng tầm cao đang tăng khá nhanh, các nhà sản xuất cần phải điều chỉnh cách làm, cách tiếp cận và finishing sẽ là chất dẫn tốt nhất để DN chạm được trái tim khách hàng. Như vậy, rõ ràng finishing có thể là chìa khóa vàng để mở nhiều cánh cửa cơ hội cho các DN sản xuất gỗ Việt tăng về mặt lượng lẫn mặt giá trị cho thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.