Những quy định mới trong tiêu dùng xanh mà thị trường thế giới, đặc biệt là châu Âu, sẽ áp dụng trong thời gian tới hoàn toàn có khả năng trở thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nội thất Việt Nam, nếu kịp thời chuyển đổi và có một chiến lược kết nối các nguồn lực hiệu quả.
Tăng trưởng ấn tượng
Khi so sánh tốc độ tăng trưởng của ngành nội thất Việt Nam với thế giới, sự chênh lệch về tỉ lệ khá lớn. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kép của ngành nội thất thế giới là 4,5%, trong khi ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển trung bình 15,4%/năm. Đây là con số chứng tỏ vị thế và tiềm năng rất lớn của công nghiệp nội thất Việt Nam. Khả năng tăng trưởng ấn tượng này được xây dựng trên thực lực, cộng hưởng với điều kiện hội nhập cao từ 17 FTAs đã ký kết và 16 FTAs đã có hiệu lực với các quốc gia, vùng lãnh thổ… giúp Việt Nam có điều kiện rất tốt trong việc phát triển ngành nội thất.
Việc thiếu đơn hàng hiện nay hoàn toàn có thể khắc phục trong thời gian tới. Bởi, ngoài nội lực, xét về nhu cầu, trong biến động kinh tế toàn cầu, ngành gỗ thế giới vẫn đang phát triển và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn trong tương lai. Nhu cầu xanh, đòi hỏi về tính bền vững trong tiêu dùng ngày một cao, tạo điều kiện cho sản xuất nội thất, vốn được làm nên phần lớn từ nguyên liệu thân thiện môi trường, tiếp tục phát triển trong tương lai.
Trong hơn hai mươi năm qua, chế biến gỗ Việt Nam từng bước phát triển và trở thành quốc gia xuất khẩu đồ nội thất hàng đầu thế giới. Sức đề kháng của doanh nghiệp (DN), thể chế, chính sách của Nhà nước… đều đang tạo điều kiện cho ngành phát triển. Giữ thế nào đừng để mất thị phần trên thị trường và chạm tới các giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng là điều DN cần quan tâm lúc này. Để xây dựng chiến lược phát triển dài hơi đó, nhân công giá rẻ chắc chắn không thể giữ mãi. Ngành cần tạo cho mình những lợi thế cạnh tranh mới.
Cơ hội lớn
Là 1 trong 10 ngành xuất khẩu hàng đầu của quốc gia, dù mô hình gia công chiếm phần lớn, nhưng chế biến gỗ Việt Nam là ngành hiếm hoi hoàn thiện được chuỗi cung ứng, tụ hội được đủ đầy các thành phần từ nguyên liệu, chế biến, sản xuất, thiết kế, kinh doanh… Ngành đã triệt để tuân thủ các yêu cầu truy xuất nguồn gốc của FSC, VPA/FLEGT, LACEY ACT… từ khá lâu. May mắn hơn là nữa là chuỗi cung ứng ấy bắt đầu từ việc trồng rừng, góp phần giữ màu xanh cho môi sinh. Lượng gỗ rừng trồng cung ứng cho gần 50% nhu cầu nguyên liệu. Ngành được tạo điều kiện để vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng HAWA DDS. Tất cả mở đường cho ngành bước chân vào thị trường tín chỉ carbon.
2020 là năm đầu tiên trong lịch sử Tesla đạt lãi ròng cả năm. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận này không đến từ việc sản xuất và bán ô tô điện – lĩnh vực chủ chốt của hãng mà là đến từ việc kinh doanh tín chỉ carbon (carbon credit). Khi 11 tiểu bang của Mỹ yêu cầu các hãng sản xuất ô tô phải đạt một tỷ lệ nhất định trong doanh số là xe có mức phát thải bằng 0. Nếu không làm được việc đó, các hãng xe sẽ phải mua tín chỉ carbon từ những hãng đáp ứng vượt mức quy định đề ra. Vì Tesla chỉ bán xe chạy điện, tín chỉ carbon của công ty này rất lớn. Điều này mang đến nguồn thu lớn cho Tesla. Trong 5 năm, từ 2016 – 2021, hãng đã thu về 3,3 tỷ USD từ bán tín chỉ carbon. Trong đó mức thu của riêng năm 2020 đạt gần một nửa. Số tiền gần 1,6 tỷ USD mà Tesla có được nhờ bán tín chỉ carbon trong năm 2020 vượt xa khoản lãi ròng 721 triệu USD. Nghĩa là, chỉ riêng việc bán tín chỉ carbon, hãng đã có bù lỗ cho cả việc kinh doanh chính.
Thị trường tín chỉ carbon không giới hạn mà mở rộng toàn cầu. Từ bài học của Tesla nhìn về ngành chế biến gỗ Việt Nam để thấy, từ bây giờ, các ban ngành và DN cần ngồi lại cùng nhau để có những hành động cụ thể về việc thu thập tín chỉ carbon, Không chỉ là lợi thế cạnh tranh cho ngành, tín chỉ carbon còn mang lại lợi ích cụ thể, quy ra tiền cho DN theo đuổi con đường này, trong tương lai.
Thay đổi tầm nhìn ngành chế biến gỗ
Tháng 10/2023, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (The EU’s Carbon Border Adjustment Mechanism – CBAM) sẽ chính thức triển khai giai đoạn chuyển tiếp. Đây là công cụ nhằm định giá carbon đối với hàng nhập khẩu vào EU từ các quốc gia không có thuế carbon hoặc đánh thuế carbon thấp dưới mức EU quy định. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, có 1.912 DN bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải. Trong đó, có 62 DN thuộc ngành gỗ bao gồm các DN sản xuất đồ gỗ, ván gỗ và viên nén.
Việt Nam là quốc gia sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thị trường châu Âu, Mỹ… nhưng đến nay nhiều DN sản xuất vẫn chưa nắm rõ và hiểu hết về luật định này, ngành gỗ không ngoại lệ. EU CBAM chỉ là một trong những thách thức mà ngành chế biến gỗ phải đối mặt và mốc thời gian trên cho thấy sự cấp thiết phải chuyển đổi xanh ngành gỗ.
Sẽ có ý kiến cho rằng, DN đang phải chạy đơn hàng để duy trì hoạt động, trả lương công nhân thì không thể đầu tư cho các giá trị khác. Tư duy ấy không mang tính chiến lược mà chỉ là vấn đề ứng phó. Bài học thành công từ đầu tư xanh của ngành dệt may Bangladesh, bây giờ họ đã xuất khẩu vượt qua Việt Nam và đứng hàng thứ 2 chỉ sau Trung Quốc. Ngành gỗ nếu chậm chân đầu tư xanh thì cũng dễ mất lớn thế trong những năm tới. Đúng là trong bối cảnh hiện nay, chi phí là vấn đề DN quan tâm nhất. Nhưng nếu nghĩ các hoạt động theo đuổi các tiêu chí là chi phí thì chúng ta mất cơ hội và không giữ được vị thế ở tương lai. Đã đến lúc xem các yếu tố xanh là khoản đầu tư, chắc chắn khoản đầu này sẽ mang lại hiệu quả lớn trong tương lai. Tôi tin, việc thay đổi tầm nhìn ngành gỗ nội thất cần bắt đầu từ tư duy xanh và tư duy phát triển bền vững sẽ giúp ngành đi đến mục đích nhanh hơn.
Phạm Phú Ngọc Trai – Chuyên gia kinh tế
V.T ghi
Năm 2022, lượng phát thải toàn cầu vào khoảng 58 tỷ tấn CO2, trái đất dự kiến sẽ nóng lên 3,2 độ C trong thế kỷ này, tác động xấu đến mọi lĩnh vực trong đời sống. Các ngành sản xuất công nghiệp đều phải chịu trách nhiệm một phần lớn lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và đang chịu áp lực nặng nề trong việc giảm tác động tiêu cực đến môi trường khi thải ra tới 6,3 tỷ tấn CO2, chiếm 12,7% lượng khí thải toàn cầu.
Báo cáo mới Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)