Khó tuyển nhân công dù đơn hàng đã đầy là tình hình chung của doanh nghiệp (DN) ngành sản xuất tại Việt Nam hiện nay. Ngành chế biến gỗ cũng không ngoại lệ.
Dạo một vòng quanh các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… không khó để thấy những băng rôn tuyển dụng nhân sự được dán khắp nơi.
“Nóng” khâu tuyển dụng
“Tuyển dụng gấp 100 công nhân có tay nghề làm ghế sofa, ghế văn phòng, 50 công nhân đào tạo, 2 quản lý chất lượng… lương và phụ cấp thỏa thuận”; “Tuyển dụng 1.500 lao động phổ thông ngành gỗ, lương sản phẩm, đảm bảo thu nhập 11 triệu/tháng trở lên”… là nội dung đang được phổ biến khắp các khu công nghiệp. Nhưng dường như, tín hiệu phản hồi các thông điệp này đã không còn hấp dẫn như trước.
Ông Dương Quang Hiệp, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông cho biết, công ty đang ráo riết tuyển dụng lao động để bảo đảm tiến độ đơn hàng cho 7 nhà máy đặt tại Bình Dương nhưng việc tuyển dụng không dễ dàng. Xu hướng công nhân “bỏ phố về quê” vẫn đang tiếp tục kéo dài từ đại dịch Covid-19 đến nay. Với những công nhân đã có vị trí ổn định thì chắc chắn không muốn thay đổi công việc, đặc biệt vào thời điểm cuối năm vì liên quan đến lương, thưởng Tết.
Báo cáo trên trang Việc Làm Tốt cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 8 – 10/2024, thị trường lao động ở các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt tập trung vào các ngành sản xuất. Nhu cầu tuyển dung công nhân đã tăng 145%, nhân viên hậu cần tăng 177% và lao động trong mảng vận tải (kho vận và tài xế giao hàng) tăng 185%. Những con số này đều cao hơn đáng kể so với mức tăng trung bình 77% của các ngành khác.
Riêng ở TP. Hồ Chí Minh, thị trường lao động cũng ghi nhận sự tăng trưởng nóng nhưng ở mức thấp hơn. DN ở khu vực thành phố đang cần (công nhân tăng 49%), hậu cần (kho vận tăng 33%) và bán lẻ (bán hàng tăng 34%). “Nhiều DN, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, đang dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ quy trình sản xuất ra các tỉnh lân cận nên nhu cầu nhân lực ở khu vực TP. Hồ Chí Minh tăng ít hơn nhưng nhìn chung, thị trường lao động cả nước đều đang gặp khó khăn trong tuyển dụng”, bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc Chuyên trang tuyển dụng trực tuyến Việc Làm Tốt nhận xét.
Không chỉ thiếu lao động phổ thông, bà Nguyễn Khánh Giang, Phó giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Cát Đằng còn cho biết, hiện việc tuyển dụng nhân lực trung cấp, cao cấp như nhân viên khối văn phòng, đội ngũ kinh doanh cũng không dễ dàng. DN đang có đơn hàng nhưng việc mở rộng sản xuất, kinh doanh trong thời điểm này không còn thuận lợi về mặt nhân lực như trước.
Giải pháp đa chiều
“Nhân công giá rẻ sẽ sớm không còn là lợi thế cạnh tranh của các DN Việt Nam. Nếu không sớm chuẩn bị nguồn lực thay thế, DN sẽ rơi vào tình huống bị động”, ông Phạm Đức Chính, Tổng giám đốc Công ty Mộc Phát nhìn nhận. Những năm trở lại đây, Mộc Phát đã tiến hành và kiên trì con đường số hóa để có thể tinh gọn đội ngũ và tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Các chuyền sản xuất ván công nghiệp tự động của Mộc Phát không cần quá nhiều lao động. Con đường này mang lại hiệu quả lớn, hiện chỉ với hơn 230 nhân lực, Mộc Phát vẫn có thể cung ứng cho thị trường 5 triệu sản phẩm/năm.
Không chỉ ngành gỗ, chuyển đổi số cũng là lựa chọn hàng đầu trong mục tiêu giảm áp lực lao động mà các ngành khác trong chuỗi cung ứng đang hướng đến. Ông Trịnh Đức Cường, Giám đốc Trung tâm kinh doanh chuyển phát nhanh Viettel Post cho biết, chỉ riêng việc ứng dụng robot trong khâu kho vận, đơn vị này đã có thể giảm được 3% nhân lực. Con số này không chỉ giúp DN tiết giảm chi phí mà còn giải tỏa được áp lực tuyển dụng. Năm 2024, Viettel Post đã đầu tư 5.000 tủ smart locker và đang tiếp tục tăng lên con số 20.000 tủ trên toàn quốc trong những năm tới để có thể giảm nhân lực giao hàng trên cả nước.
Song song với giải pháp công nghệ, với đặc thù lao động của ngành, các giải pháp thu hút và giữ chân nhân lực cũng được DN triển khai quyết liệt. Ông Liao Chuawu – Nhà sáng lập, Giám đốc Điều hành Hukon Việt Nam cho biết, lao động vẫn là đang nguồn lực mang lại giá trị lớn cho DN chế biến gỗ. Đặc thù của ngành vẫn cần sự khéo léo, khả năng tinh chỉnh của con người. Để thu hút và giữ chân được nguồn lực, ngoài chính sách lương, thưởng hấp dẫn, cần có chiến lược phát triển con người trong DN.
Với Hukon, chính sách đào tạo, gắn kết nhân lực bao gồm việc tạo điều kiện phát triển bản thân là vấn đề mấu chốt. Ông Liao Chuawu cho rằng, người lao động không chỉ cần đảm bảo cuộc sống mà còn cần cả cơ hội thăng tiến. Cách quản trị tốt nhất là giao nhiệm vụ để họ chủ động nâng cao năng lực và thể hiện bản thân. Giải pháp ấy đã giúp Hukon tạo được sự gắn kết dài lâu với được hơn 4.000 con người đang làm việc tại 4 nhà máy trên địa bàn tỉnh Bình Dương. “Vì ít chịu biến động lao động nên chúng tôi chưa có kế hoạch tuyển dụng thêm”, đại diện Hukon khẳng định.
Thiên Đăng