,

“Made in Vietnam” sẽ thế chỗ “made in China”?

Việt Nam đã mở cửa cho các công ty lớn như Apple, Samsung, Intel và đang chuẩn bị thực hiện những thương vụ lớn hơn nữa.

Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết kế hoạch áp thuế nặng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ của ông sẽ giúp giảm thâm hụt liên bang, hạ giá thực phẩm và tạo ra nhiều việc làm hơn trong nước. Trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 9 tại Savannah, Georgia, ông cam kết di dời toàn bộ các ngành công nghiệp về Hoa Kỳ.

Nhưng việc hồi hương sản xuất rất khó có thể xảy ra và chắc chắn không thể xảy ra ở quy mô lẫn tốc độ mà ông Trump mong muốn. Thay vào đó, sẽ thấy một quốc gia được hưởng lợi lớn từ các chính sách của Trump: Việt Nam.

Vị trí thuận lợi

Chia sẻ với Forbes, Jason Miller, giáo sư chuyên ngành quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học bang Michigan cho rằng nếu trước đây là “made in China” thì bây giờ là “made in Vietnam”. Hoạt động sản xuất sẽ khó quay trở lại Hoa Kỳ.

Trong chính quyền Trump trước đây, các tập đoàn lớn, bao gồm Apple, Foxconn và Intel đã bắt đầu chuyển hướng sang Việt Nam như một cách để đa dạng hóa danh mục sản xuất. Chỉ mới hai tháng trước, SpaceX cũng đã công bố khoản đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam. Ngay chính Trump Organization cũng đang đầu tư vào quốc gia này với một giao dịch bất động sản xa xỉ trị giá 1,5 tỷ USD vừa được công bố gần đây.

Việt Nam có một số lợi thế so với các đối thủ khác trong khu vực, nhất là việc đã nhanh chóng mở cửa, thiết lập chính sách thân thiện với doanh nghiệp nước ngoài. Quốc gia này có vị trí địa lý thuận lợi với 3/50 cảng bận rộn nhất thế giới và nằm ngay cạnh Trung Quốc, giúp cho hoạt động thương mại và hậu cần giữa hai nước dễ dàng hơn. Đặc biệt, Việt Nam còn có một hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu – là quốc gia thứ hai sau Singapore ở Đông Nam Á có hiệp định này.

Tạo điều kiện cho đầu tư trực tiếp nước ngoài

Việt Nam đang nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các dự án lớn như cho phép các công ty mua năng lượng xanh từ các nhà sản xuất điện mặt trời thay vì thông qua công ty điện lực Nhà nước. Động thái giúp các công ty dễ dàng đạt được mục tiêu về khí hậu này đã được Apple, Samsung, những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội hoan nghênh.

Những tháng gần đây, Trump nhiều lần nói rằng ông muốn thúc đẩy sản xuất của Hoa Kỳ và làm cho hàng hóa sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu vào phải tăng giá. Ông chỉ đích danh Mexico và Trung Quốc khi nói rằng sẽ áp dụng thuế quan từ 25% đến 100% đối với các sản phẩm được sản xuất ở phía nam biên giới. Trước đó ông cho biết hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc sẽ bị đánh thuế 60%, trong khi sản xuất ở các nước khác sẽ bị đánh thuế chung 20% – bao gồm Việt Nam. “Việt Nam có thể thành công ở mức độ vừa phải hoặc có thể thành công lớn, tùy thuộc vào cách họ tạo điều kiện cho làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài này”, ông Trần Ngọc Anh, giáo sư quản trị tại Đại học Indiana và là cựu cố vấn của Thủ tướng Việt Nam nói.

“Việt Nam nên ưu tiên các công ty sẽ đưa các công ty khác đến Việt Nam. Nếu bạn đưa Apple đến, sẽ có rất nhiều nhà cung cấp khác muốn gần gũi với Apple – những công ty cho phép Việt Nam chuyển sang một lĩnh vực công nghệ cao hơn. Thay vì sản xuất giày dép và dệt may, Việt Nam nên hướng đến công nghệ sinh học, AI và chất bán dẫn”, ông cho biết thêm.

Tiếp tục làn sóng dịch chuyển sang Việt Nam?

Những năm 1990, Việt Nam nổi tiếng về sản xuất giày dép và dệt may cho các tập đoàn đa quốc gia như Nike và Adidas. Nhưng đến thập niên 2000, các công ty điện tử lớn bắt đầu chuyển ra khỏi Trung Quốc để tận dụng chi phí lao động thấp và các hiệp định thương mại có lợi tại Việt Nam. Samsung mở nhà máy sản xuất đầu tiên tại đây vào năm 2008 và các công ty đa quốc gia lớn khác, bao gồm LG và Intel, cũng nhanh chóng làm theo. Làn sóng các thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD này đã thúc đẩy các nhà cung cấp cho công ty lớn thành lập nhà máy tại Việt Nam.

Khi chính quyền Trump 1.0 năm 2018 áp thuế đối với một số mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc, như tấm pin mặt trời và máy giặt, thì vẫn không thu hút các công ty đưa hoạt động sản xuất về nước. Thay vào đó, hoạt động sản xuất chỉ chuyển sang Việt Nam hay các quốc gia châu Á khác, như Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ.

Đến tháng 5/ 2020, Apple bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất AirPods từ Trung Quốc sang Việt Nam. Vài tháng sau, Foxconn được cho là đã bắt đầu chuyển một số dây chuyền lắp ráp iPad và MacBook đến Việt Nam theo yêu cầu của Apple (Apple cũng chuyển một số hoạt động sản xuất sang Ấn Độ).

Số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ cho thấy từ năm 2018 đến năm 2019, lượng hàng điện tử nhập khẩu từ Việt Nam tăng gần gấp đôi. Một báo cáo năm 2023 của Ngân hàng Thế giới cho thấy từ năm 2017 đến năm 2022, lượng hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, từ máy khâu đến máy in laser, nhập khẩu vào Hoa Kỳ giảm, trong khi tỷ lệ hàng hóa do Việt Nam sản xuất tăng theo tỷ lệ tương ứng.

Giống như các công ty từng chuyển hoạt động sản xuất sang Trung Quốc, thuế quan của Trump chắc chắn sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang Việt Nam.

Bùi Diệp (Theo Cyrus Farivar, Forbes)

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác