,

Ngành gỗ và nội thất trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Mỹ – thị trường tiêu thụ nội thất lớn nhất thế giới, cũng là nơi đang diễn ra những chuyển động mạnh mẽ trên chính trường. Điều này có thể tạo ra nhiều cơ hội mới cho ngành gỗ Việt Nam. Nếu tận dụng tốt, chúng ta sẽ xác lập được vị thế mới, vững vàng hơn trên con đường phát triển bền vững.

Tổng cục Hải quan ước tính trong năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 16,25 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2023. Nếu so sánh với kỷ lục cũ được xác lập năm 2022 là 15,8 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2024 đã vượt khoảng 500 triệu USD. Cùng với gỗ, lâm sản ngoài gỗ cũng đóng góp 1,04 tỷ USD giúp tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 17,3 tỷ USD. Đây là một thành quả thực sự ấn tượng, phản ánh sức mạnh và khả năng vượt khó của ngành.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Bước sang năm 2025, dù khó khăn vẫn còn nhưng ngành nội thất Việt Nam cũng đứng trước nhiều cơ hội. Những thay đổi trong địa chính trị thế giới đã tác động, tạo nên thời cơ mà Tổng bí thư Tô Lâm gọi là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đảng, Nhà nước và toàn dân đang dồn sức cho mục tiêu phát triển kinh tế. “Thời kỳ chính quyền Trump 2.0” mở ra, nổi bật với chính sách thuế cao nhắm vào Trung Quốc, Canada, Mexico… sẽ có những tác động đặc biệt đến Việt Nam nói chung và ngành nội thất nói riêng. Hai yếu tố này có thể được xem là “thiên thời” và “địa lợi” mà ngành may mắn hội tụ được.

Ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch Hawa

Vậy, yếu tố chúng ta cần trang bị thêm chính là “nhân hòa”. Ngược dòng lịch sử, cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn (1418-1427) cho chúng ta một bài học lớn. Từ một nhóm nhỏ khởi nghĩa ở vùng núi Lam Sơn (Thanh Hóa), nghĩa quân không ngừng lớn mạnh, thu hút sự tham gia của cộng đồng các dân tộc trên khắp đất nước. Được như vậy chính là nhờ lãnh tụ Lê Lợi đã biết dựa vào dân, chú trọng xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh để chiến thắng quân Minh xâm lược đông đảo và hùng mạnh hơn gấp nhiều lần. Yếu tố “nhân hòa” ở đây chính là biết phát huy nội lực, dựa vào chính mình để làm chủ vận mệnh của dân tộc mình. Điều này mang ý nghĩa quyết định mọi sự thành bại trong lịch sử Việt Nam.

Trở lại với ngành gỗ, chúng ta có rất nhiều thế mạnh: lực lượng lao động trẻ, giàu sáng tạo, cần cù, thông minh; nguồn nguyên liệu bản địa dồi dào; các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được ban hành kịp thời để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân tham gia vào chuỗi sản xuất; các hiệp hội ngành nghề hoạt động tích cực, luôn đồng hành cùng DN… Đứng trước cơ hội lớn, nếu các DN đồng lòng, đoàn kết cùng phát triển, tôi tin ngành gỗ và nội thất Việt Nam hoàn toàn có thể xác lập được vị thế mới.

Đoàn kết vì sự thịnh vượng chung

Quy mô thị trường nội thất toàn cầu được định giá hơn 516 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của các DN Việt Nam mới hơn 16 tỷ USD, chỉ là con số lẻ trong miếng bánh toàn thị trường. Rõ ràng dư địa của ngành còn rất lớn, rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Dẫu biết rằng cạnh tranh là động lực để phát triển nhưng phải phân định rõ cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh. Các DN không nên “ngáng chân nhau” mà nên hợp tác để cùng phát triển, để lớn mạnh đủ sức chinh phục thị trường thế giới. Khi đó, các DN đều cùng có lợi. Để đoàn kết không chỉ là khẩu hiệu, BCH HAWA nhiệm kỳ IX đã đề cao và chú trọng các hoạt động kết nối: Kết nối giữa các DN hội viên, kết nối giữa các hiệp hội, tận dụng được thế mạnh của từng vùng miền để cùng nhau phát triển.

Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam có những giá trị đặc trưng, được hội tụ theo từng vùng miền. Miền Bắc có trung tâm cung ứng nguyên vật liệu, có các khu vực sản xuất hàng nội thất quy mô lớn, có các làng nghề mỹ nghệ truyền thống đặc trưng. Miền Trung có thế mạnh của hàng ngoài trời, là trung tâm của công tác phát triển rừng trồng. Còn miền Nam là thủ phủ chế biến gỗ với ba trung tâm là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh với thế mạnh sáng tạo, thiết kế, thương mại, thương hiệu, trung tâm logistics, tài chính… Việc gắn kết 3 miền, tụ hội các giá trị là điều chúng ta chưa làm được. Do vậy cần phải tạo được những kết nối cần thiết để ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam khép kín chuỗi cung ứng nội thất cho thị trường thế giới.

Cần phải nhìn nhận rằng thời gian qua các DN đã rất nỗ lực đầu tư máy móc thiết bị, đầu tư cho thiết kế sáng tạo và không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường. DN cũng tiếp cận được phương thức kinh doanh mới, ứng dụng thương mại điện tử để có thể trực tiếp xuất khẩu thông qua các nền tảng như Amazon, Wayfair… Một điều đáng khích lệ là sự đồng hành của Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã vào cuộc cùng ngành gỗ như tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, quy hoạch gỗ rừng trồng…

Như vậy, bức tranh tổng thể của ngành gỗ hiện nay có thể gói gọn trong một câu: Bên ngoài thuận lợi, bên trong có chuyển mình. Điều DN cần làm lúc này là đoàn kết, đoàn kết và đại đoàn kết. Vì sự văn minh và thịnh vượng của dân tộc, tôi tin là khi kết nối các thế mạnh, chúng ta có thể có thể bứt phá và phát triển mạnh mẽ.

Phùng Quốc Mẫn – Chủ tịch HAWA

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác