,

Bà Đặng Trịnh Nhã Hương – Giám đốc Navigos Search miền Nam: Đừng bỏ lỡ thời cơ “dân số vàng”

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Tuy nhiên, trên 70% lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế. Để khai thác và phát triển lợi thế nhân lực, bà Đặng Trịnh Nhã Hương cho rằng cần một chiến lược tổng thể, tập trung từ đào tạo song song với ứng dụng công nghệ.

* Lao động Việt Nam đang ở giai đoạn nhiều lợi thế từ yếu tố dân số vàng. Theo bà, việc này mang đến những thuận lợi nào cho nền kinh tế nói riêng và nguồn lực phát triển quốc gia nói chung?

– Thời kỳ dân số vàng tại Việt Nam hiện nay là một trong những yếu tố nổi bật khi dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) chiếm hơn 50%. “Dân số vàng” có nhiều ưu thế nổi trội như trẻ, năng động, ham học hỏi nên thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học – công nghệ và linh hoạt trong chuyển đổi nghề. Thứ đến là có nhiều cơ hội đào tạo nâng cao thông qua việc Nhà nước mở rộng cơ sở giáo dục và nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giáo dục giúp tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo. Song song đó, nhận thức về sự cần thiết của việc duy trì và phát triển kỹ năng thông qua việc học tập liên tục đang tăng lên trong cộng đồng dân số lao động trẻ Việt Nam. Với ngoại ngữ, hiện khả năng giao tiếp và thông thạo nhiều ngoại ngữ của giới trẻ Việt Nam tăng lên đáng kể. Điều này giúp thuận lợi trong việc tiếp cận các kiến thức và công nghệ mới của nước ngoài.

* Tuy dân số trẻ nhưng chất lượng của lao động Việt Nam lại được đánh giá chưa cao?

– Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người bước vào độ tuổi lao động, tuy nhiên trên 70% lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế vì chỉ là lao động giản đơn. Sự thiếu hụt lao động có chuyên môn kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch… là những thách thức không nhỏ đặt ra cho thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”.

Số lượng người lao động qua đào tạo tại Việt Nam tăng trưởng rất chậm. Chủ lực của Việt Nam là ngành công nghiệp gia công nên bị phụ thuộc vào nước khác khá nhiều và vì gia công nên người Việt Nam cũng bị hạn chế trong sáng tạo, đổi mới. Trình độ phát triển kỹ thuật công nghệ chưa cao dẫn đến Việt Nam vẫn thuộc nhóm trung bình. Bên cạnh đó lực lượng dân số có sự phát triển thiếu đồng đều giữa các vùng, miền.

Chất lượng lao động Việt Nam vẫn chưa đạt chuẩn cao. Mặc dù có sự tăng trưởng hàng năm nhưng không đáng kể. Số người trong độ tuổi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật chỉ chiếm khoảng 24%. Về mặt chất lượng, Việt Nam chưa tận dụng được hết cơ hội dân số vàng.

Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp cao nhưng diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dẫn đến gia tăng tình trạng thiếu việc làm. Đáng chú ý, tỷ lệ thanh niên di cư lao động trong và ngoài nước có xu hướng tăng nhanh nhưng các chính sách lao động, việc làm và các dịch vụ xã hội chưa được điều chỉnh kịp thời.

Về năng suất lao động, Việt Nam đang nằm trong nhóm trung bình của khu vực. Tuy nhiên, mức tăng vẫn rất thấp so với các nước. Một nguy cơ khác là chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.

* Xét riêng các ngành sản xuất, thâm dụng lao động cao như dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất nội thất… thì lao động trẻ có phải là lợi thế?

– Lao động trẻ có thể là một lợi thế trong các ngành sản xuất thâm dụng lao động cao như dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất nội thất, với một số lý do như tính linh hoạt và sức bền cao, chi phí lao động thấp, khả năng học hỏi nhanh, tính ổn định lâu dài… Tuy nhiên, nếu không biết tận dụng khả năng đổi mới và sáng tạo của nguồn lực trẻ này thì rất đáng tiếc.

Năm 2024, Navigos Search đã thực hiện báo cáo 1H cho một số ngành sản xuất cụ thể và thấy rằng nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất tại Việt Nam có những vấn đề cần lưu ý. Về số lượng và cơ cấu lao động, ngành sản xuất chiếm khoảng 27-30% tổng số lao động cả nước, chủ yếu ở các lĩnh vực như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày, nội thất và điện tử.

Lao động trong ngành sản xuất tập trung tại các khu công nghiệp lớn ở miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh) và miền Nam (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An). Phần lớn là lao động phổ thông, thiếu hụt nhân sự có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và kỹ năng chuyên sâu, nhất là những ngành đòi hỏi công nghệ cao. Nhiều lao động chưa được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng cần thiết theo yêu cầu của DN, đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Ngoại ngữ cũng là yếu tố làm giảm tính cạnh tranh của người lao động Việt Nam.

* Với những thách thức này, theo bà cần có hành động cụ thể nào để nâng chất lượng nguồn nhân lực Việt?

– Sự phát triển của công nghệ đòi hỏi lao động trong ngành sản xuất phải có chuyên môn về số hóa, tự động hóa và vận hành máy móc hiện đại. Nhưng nhiều người lao động chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức chuyên môn này. Do vậy, cần tăng cường các chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của thị trường và công nghệ mới.

Các chương trình đào tạo của Việt Nam chưa tập trung vào đào tạo nghề trong khi thực tế đòi hỏi phải nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng cho người lao động trong ngành sản xuất. Đồng thời, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tự động hóa để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Những cải tiến về điều kiện làm việc như cải thiện môi trường, đảm bảo an toàn lao động, tăng cường phúc lợi… sẽ giúp DN thu hút nhân lực và đảm bảo tính gắn kết.

Ở vai trò quản lý, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, thu hút và giữ chân lao động có tay nghề cao. Việc chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành sản xuất sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế. Không thể dựa mãi vào lợi thế nhân công giá rẻ. Nhân lực chất lượng cao mới là lợi thế cạnh tranh lâu dài!

* Theo bà hiện mức độ đãi ngộ của các DN dành cho nhân lực sản xuất đã tương xứng?

– Ở Việt Nam, các công ty có vốn đầu tư từ Mỹ, châu Âu đã và đang đưa ra những chính sách đãi ngộ rất hấp dẫn để thu hút nhân lực chất lượng cao. Các chính sách gồm lương căn bản hàng tháng và các phụ cấp, phúc lợi hàng năm. Điều này khuyến khích  nhân viên có sự cam kết lâu dài. Bên cạnh đó, họ cũng có những chính sách tạo cơ hội thăng tiến nghề nghiệp cho người lao động. Ngược lại, người lao động cũng phải có đầy đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của từng vị trí cụ thể.

Các công ty có vốn đầu tư từ các quốc gia khác cũng đang đưa ra các chính sách đãi ngộ cạnh tranh, xây dựng môi trường làm việc khích lệ nhân viên và thu hút nguồn nhân lực chất lượng hơn.

* Việt Nam đang được xem là công xưởng sản xuất mới của thế giới. Đầu tư FDI vào Việt Nam ngày một nhiều. Đây có phải là một trong những yếu tố khiến giá lao động tại Việt Nam ngày càng tăng?

– Điều này là thực tế bởi các DN đều muốn cạnh tranh để thu hút nhân tài, trong đó tiền lương, thu nhập là yếu tố có tính chất quyết định. Tin vui là các DN trong nước cũng nắm bắt được nhu cầu thị trường, mạnh dạn đưa ra các chính sách đãi ngộ cạnh tranh không kém và nỗ lực xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn để thu hút lao động.

* Theo bà, làm thế nào để các DN ngành chế biến gỗ (đang sử dụng trung bình khoảng 1.000 nhân viên/nhà máy) giữ chân và phát huy nguồn lao động này một cách tối ưu?

– Việc này rất quan trọng đối với việc duy trì sự phát triển bền vững và nâng cao năng suất lao động, năng lực sản xuất. Các DN chế biến gỗ cần xây dựng một môi trường làm việc công bằng, an toàn và đầy đủ cơ hội phát triển. Đặc biệt chú trọng đào tạo, đãi ngộ hợp lý và xây dựng văn hóa DN. Đây là những yếu tố then chốt để giữ ổn định nguồn nhân lực có chất lượng.

Để có thể phát triển bền vững và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, Việt Nam không thể cứ mãi là công xưởng gia công mà phải chuyển sang mô hình kinh doanh chủ động. Trước mắt, cần chuẩn bị đội ngũ lao động chất lượng cao, có khả năng sáng tạo, đổi mới và thích nghi với các yêu cầu quốc tế. Điều này đòi hỏi một chiến lược đào tạo toàn diện, không chỉ trong sản xuất mà cả trong quản lý, sáng tạo thiết kế, marketing…

* Xin cảm ơn bà!

Trúc Phương thực hiện

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác