,

D2C: Cờ đã đến tay

Kinh doanh nội thất trực tuyến toàn cầu, chỉ riêng mảng nội thất gia đình, sẽ tạo ra doanh số hơn 40 tỷ USD vào năm 2030. Người tiêu dùng không chỉ ngày càng quen với việc mua sắm kỹ thuật số mà còn đầu tư nhiều thời gian hơn để tìm đúng thương hiệu và mặt hàng nội thất cần mua. Nói cách khác, họ tìm đến tận nhà sản xuất để đặt hàng thông qua thương mại điện tử.

D2C (Direct-to-Customer) là mô hình kinh doanh trong đó doanh nghiệp (DN) bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng, bỏ qua các trung gian như nhà bán buôn, nhà phân phối và nhà bán lẻ.

Tiếp cận trực tiếp

Mô hình D2C cho phép DN có mối quan hệ trực tiếp với khách hàng và kiểm soát toàn bộ trải nghiệm của khách hàng, từ quá trình phát triển sản phẩm, marketing đến khâu bán hàng và chăm sóc khách hàng. Nhờ sự phát triển của kênh thương mại điện tử, mô hình D2C ngày càng phát triển.

Các ước tính cho thấy bán hàng trực tuyến trên toàn cầu trong thị trường nội thất gia đình nói riêng sẽ tạo ra doanh số hơn 40 tỷ USD vào năm 2030. Người tiêu dùng không chỉ ngày càng quen với việc mua sắm kỹ thuật số, mà còn ngày càng tiết kiệm và sẽ đầu tư nhiều thời gian hơn để tìm đúng thương hiệu và mặt hàng nội thất cần mua. Điều này không có nghĩa là họ luôn chọn những thứ rẻ nhất mà chỉ đơn giản là họ biết mình muốn gì và sẵn sàng tìm kiếm nó.

Giá trị đơn đặt hàng trung bình của các sản phẩm gia dụng cũng tăng lên kể từ năm 2020, đạt khoảng 421 USD/đơn hàng vào quý 2 năm 2023. Khi doanh số bán hàng trực tuyến tiếp tục mở rộng tỷ lệ trong ngành nội thất, lợi ích lớn nhất rất rõ ràng: Mô hình D2C cho phép các công ty nội thất nắm giữ phần doanh thu và lợi nhuận lớn hơn. Nhưng, quan trọng hơn là mô hình này thu hút thế hệ trẻ. Những khách hàng này đã lớn lên cùng với những công ty như IKEA. Đối với họ, đồ nội thất phải mua sắm trực tuyến, vì việc lái xe đến showroom chỉ để xem qua không phải là điều họ muốn làm thường xuyên. Do vậy, ngoài IKEA, một số thương hiệu nội thất cũng đang nhanh chóng phát triển trải nghiệm mua sắm trực tuyến cho khách hàng của họ. Ví dụ, ở Anh và Mỹ có Allform, Floyd và Burrow, tất cả đều bán đồ nội thất trực tuyến, trực tiếp cho công chúng. Ngay cả những công ty như John Lewis, vốn không hề bắt đầu trong ngành nội thất, hiện cũng đã cung cấp nhiều mặt hàng nội thất mang thương hiệu riêng trên các cửa hàng thương mại điện tử của họ.

Cơ hội tốt

DN sản xuất nội thất cần xem xét D2C bởi đây là cơ hội tốt nhất để mở rộng sang các lãnh thổ mới. Đó là cách tiếp cận trực tiếp đến người tiêu dùng ở tất cả các thị trường tiềm năng. Tất nhiên, nhà sản xuất phải đảm bảo làm sao có đủ năng lực hậu cần để cung cấp cho các thị trường mới của mình.

Trong mô hình showroom truyền thống, sản phẩm được trưng bày và bán thông qua bên thứ ba, họ thường được hưởng một phần lợi nhuận cuối cùng. Trong mô hình D2C, DN có thể loại bỏ bên trung gian này ra khỏi quy trình một cách hiệu quả. Điều này có nghĩa là DN sẽ phải đầu tư vào hoạt động bán hàng của riêng mình, nhưng DN cũng không bị mất chi phí cho các đơn vị phân phối.

D2C là mô hình cho phép DN xây dựng thương hiệu của riêng mình. Người tiêu dùng sẽ nhận ra DN ở các sàn giao dịch, showroom hoặc bất cứ nơi nào họ nhìn thấy nó. Ngoài ra, lợi ích thực sự là khi nhận thức về thương hiệu bắt đầu tạo ra lòng trung thành nơi khách hàng – khi người mua hàng tiềm năng chỉ nghĩ đến thương hiệu của bạn hơn là tìm kiếm một sản phẩm nào đó trên thị trường. Để điều này xảy ra, lý tưởng nhất là DN cần có mặt trên thị trường trực tuyến để người tiêu dùng có cơ hội tương tác trực tiếp với bạn nhiều nhất có thể.

Không phụ thuộc

Khi dựa vào các công ty bên thứ ba, DN không thể công bố sản phẩm mới bất kỳ lúc nào tùy thích. Với D2C thời gian hoàn toàn phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của nhà sản xuất, miễn sao đảm bảo sẵn sàng xử lý công việc hậu cần. Trong bối cảnh thị hiếu thay đổi rất nhanh như hiện nay, khả năng chủ động mang lại lợi thế rất lớn cho DN sản xuất. Ngoài ra, DN cũng có thể chủ động triển khai các chương trình khách hàng thân thiết. Quan trọng nhất là khi đã sở hữu tệp khách hàng, bằng các phương tiện công nghệ dữ liệu tiên tiến, DN còn có thể hiểu được mong muốn của khách hàng, nhìn được xu hướng tiêu dùng để kịp thời điều chỉnh chiến lược sản xuất. Như vậy, D2C sẽ giúp DN chinh phục được khách hàng tương lai.

Tất nhiên, bên cạnh việc sở hữu được các tiện ích mà D2C mang lại, DN phải đảm bảo mọi kênh bán hàng đều được tối ưu hóa theo thế mạnh của kênh đó. Kinh doanh trong lĩnh vực nội thất, công tác tiếp cận và chăm sóc khách hàng phải được đặt lên hàng đầu, bởi khách hàng không mua thường xuyên nhưng thường chi rất nhiều cho mỗi lần mua. D2C hoàn toàn có thể giúp DN làm được điều đó.

Ca Dao (Nguồn: unitygroup.com)

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác