Không có khung giá trị chung nào cho việc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Sự linh hoạt, trọng tâm và chiến lược của mỗi doanh nghiệp (DN) cùng với tiềm lực, thị trường lẫn bối cảnh xã hội mới có thể hình thành con đường tiến đến các giá trị ấy.
Sau 25 năm làm công tác tư vấn chiến lược phát triển cho DN, 10 năm trở lại đây những “đơn hàng” tư vấn phát triển bền vững từ phía DN dành cho chuyên gia Phạm Việt Anh ngày một nhiều hơn. Câu chuyện trách nhiệm của DN và đòi hỏi của thị trường dường như đã có điểm chung, buộc DN phải tính toán lại nhiều thứ.
ESG – ngôi sao mới
Báo cáo Brunđtland do Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED) của Liên Hiệp Quốc năm 1987 định nghĩa: “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương đến khả năng của các thế hệ tương lai, đáp ứng các nhu cầu của họ”. Với tầm nhìn khá xa, mục tiêu của WCED rộng, phổ quát ở nhiều mục tiêu. Tuy nhiên, mãi đến thời gian gần đây, phát triển bền vững mới được hưởng ứng từ phía các đơn vị quản lý nhà nước đến người tiêu dùng.
Quyết tâm với mục tiêu bền vững có thể kể đến châu Âu với hàng loạt chương trình, chính sách được triển khai, cụ thể là EUDR và CBAM. Thời gian không xa nữa, khi các quy định của EUDR lẫn CBAM được áp dụng, kinh tế thế giới sẽ mất đi cái gọi là “cơ chế thương mại tự do”. Bởi, không phải muốn làm gì để gia tặng lợi thế cạnh tranh cũng được, DN phải minh bạch mọi thông tin từ sản xuất, hoạt động kinh doanh, tiêu thụ năng lượng…. để có thể kiểm toán carbon. Khi hoạt động của DN tác động xấu đến môi trường, DN đó phải trả phí để bù lại phần nỗ lực bền vững mà các DN khác đã theo đuổi.
Trong bối cảnh đó, ESG (Environmental, Social, and Governance, tức là môi trường, xã hội và qản trị) nổi lên như một ngôi sao mới. Thực tế, ESG là tiến hóa của CSR (Corporate Social Responsibility) một thuật ngữ để chỉ trách nghiệm xã hội của DN. Trải qua gần hai thập kỷ, từ một hệ thống báo cáo chuyên biệt cho các nhà đầu tư tài chính, ESG trở thành một thuật ngữ chung để chỉ cách mà các DN cân nhắc những tác động của sản phẩm của mình lên cộng đồng, bao gồm xã hội lẫn nhân viên của họ.
Trong mục tiêu phát triển bền vững, ESG giữ vai trò trọng tâm, có tính bắt buộc cao vì phần lớn hoạt động của DN đều gây tác động đến phác thải carbon và môi trường.
Nuôi dưỡng ESG
Tại Mỹ, 66% người tham gia khảo sát trong số này cho biết họ sẵn sàng chi tiền cho một nhãn hàng được chứng nhận phát triển bền vững; 75% cho rằng DN cần phải đem lại lại giá trị cho cộng đồng thay vì chỉ chạy theo lợi nhuận. Trong báo cáo “Tương lai tiêu dùng trong những thị trường tăng trưởng nhanh: ASEAN” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố vào tháng 6/2020 chỉ ra con số ấn tượng: 80% người tiêu dùng khu vực ASEAN quan tâm đến tính bền vững và đã thay đổi thói quen sống để trở nên thân thiện hơn với môi trường.
Khi tính bền vững được hưởng ứng mạnh mẽ ở thị trường toàn cầu, việc theo đuổi ESG trở thành bắt buộc. DN sẽ phải cải tiến toàn diện, thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi mô hình kinh doanh… Đơn giản như việc tiêu thụ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch cũng rất tốn kém. Và, nhu cầu thuê các công ty kiểm toán thứ ba để chứng minh nỗ lực cải tiến theo hướng có lợi cho môi trường và xã hội cũng sẽ phát sinh. Câu chuyện này hàm chứa nguy cơ, thách thức và cơ hội chia đều cho tất cả. Từ DN toàn cầu đến DN quy mô nhỏ đều có thể hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng, DN phải nắm rõ các tiêu chí và xác định được hành động cụ thể của DN mình để tránh mông lung và tránh tốn kém chi phí lẫn thời gian. Phải xem cam kết nào phù hợp với bản chất DN mình thì mới có giá trị. Ví dụ, DN khối sản xuất có thể chọn cam kết về mặt sử dụng nguyên liệu, năng lượng…
Phát triển bền vững là câu chuyện rộng khắp, liên ngành. DN khó thể đạt mục tiêu bền vững một mình. Thực tế, các DN trang bị ESG thành công đều chú trọng 3 chữ P trong quá trình xây dựng, bao gồm: Priority (mức độ ưu tiên), Product (sản phẩm) và Partnership (tính kết nối). Hợp tác, chia sẻ mục tiêu phát triển với các đối tác có cùng định hướng có thể giúp DN giảm thách thức.
Như việc nuôi một đứa trẻ, dần lớn lên, chiến lược dành cho ESG của DN có thể thay đổi từng thời gian, theo biến động của thực tế. Không có công thức, không có khung giá trị chung nào cho việc chinh phục các giá trị thuộc ESG. Bởi mỗi DN có mô hình, cách thức lẫn mục tiêu phát triển khác nhau. Chuyển đổi là chuyện lâu dài, cần được từng bước nhỏ, từ việc thực hành tốt sản xuất tiết kiệm nhiên liệu… Linh hoạt, thích ứng và kiên định với mục tiêu chính là nền tảng để chinh phục ESG.
Phạm Việt Anh – Chuyên gia tư vấn bền vững
B.Y ghi
Thạc sĩ Quản lý sức khỏe và Chăm sóc xã hội Phạm Việt Anh từng là nhà sáng lập Left Brain Connectors; Senior AE, Senior Account Director, Business Development Director, Business Director của Dentsu, Cowan Asia… Hiện ông đang hoàn thành luận án tiến sĩ về Quản trị bền vững và Môi trường ở Thụy Sĩ.