,

Hy vọng nào cho năm 2024?

Với nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình thế giới. Năm 2024, doanh nghiệp (DN) có thể sẽ chịu thêm nhiều áp lực. Tuy nhiên, vẫn có giải pháp để có thể bứt phá.

 

Bước vào những ngày đầu năm 2024, tình hình thế giới vẫn chứa đầy bất ổn. Căng thẳng chính trị giữa Nga và Urkaine vẫn kéo dài; tình hình Trung Đông, khối Ả Rập vẫn bất ổn, đặc biệt là tình trạng tranh chấp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ quanh các vấn đề Biển Đông, cấm vận thương mại… Những xung đột hiện nay cho thấy sự tác động của các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới, IMF, WTO… đã không còn hiệu quả và khả năng hợp tác toàn cầu không còn như trong quá khứ ở một thế giới “toàn cầu hóa” nữa.

Nhận diện hạn chế

Ngành sản xuất đóng góp trên 20% GDP cả nước. Thời điểm trước, Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường thế giới nhờ vị trí địa lý nằm trên trục đường giao thương chiến lược, chi phí lao động thấp, chính sách thuế, ưu đãi đầu tư hấp dẫn cũng như lợi thế từ các hiệp ước thương mại tự do… Vì các lợi thế này mà Chính phủ mạnh dạn đặt mục tiêu sản xuất sẽ đóng góp 30% tổng thu nhập quốc gia. Trong đó, 45% là từ công nghệ cao.

Xuất khẩu Việt Nam đã tăng mạnh và đều nhưng giá trị gia tăng không tăng, hoặc tăng rất nhẹ. Năng suất lao động vẫn là vấn đề đáng quan tâm nhất. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2023 ước đạt từ gần 3,8% đến gần 4,8%. Giai đoạn 3 năm 2021-2023, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội Việt Nam chỉ đạt 4,36 đến 4,69%, thấp hơn mức bình quân của giai đoạn 2016-2020 là hơn 6%. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế, năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 12,2% người Singapore, bằng 24,4% người Hàn Quốc, bằng 58,9% người Trung Quốc, bằng 63,9% người Thái Lan… Đặc biệt, Tổ chức Năng suất châu Á còn đánh giá năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, cách Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. Sự thiếu hụt lao động tay nghề cao, đặc biệt trong lĩnh vực đòi hỏi có đội ngũ nghiên cứu, phát triển ở Việt Nam khá đáng ngại. Công tác đào tạo nâng cao chuyên môn, kỹ thuật cũng chưa được tổ chức đúng mức. Chưa kể, đối tượng lao động nước ngoài cũng bị hạn chế bởi thủ tục.

Những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ sẽ là áp lực lớn cho Việt Nam bởi các nước gia công, sản xuất tiên tiến hiện đang triệt để trang bị tự động hóa để có thể bứt phá trước các quốc gia lợi thế lao động giá rẻ như Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn có rủi ro lớn về nguyên phụ liệu do phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Nguồn năng lượng dài hạn có vẻ không ổn định. Thiếu điện vẫn diễn ra ở các khu công nghiệp lớn trong năm qua. Môi trường kinh doanh tuy có cải thiện nhưng chưa đủ.

Lời giải cụ thể

Để ngành sản xuất tăng trưởng ổn định, mục tiêu cần được tập trung cao nhất là tăng năng suất lao động. Đối chiếu với mục tiêu đóng góp được cho 30% GDP, trong đó 45% là từ công nghệ cao thì khối sản xuất phải tăng trưởng tương đương 8,5%/năm, năng suất lao động phải tăng trên 7,5%/năm. Nhà nước cũng như các hiệp hội, cơ quan giáo dục phải ngồi lại, chung tay thiết lập một chiến lược đào tạo xuyên suốt để có được lao động năng suất cao, đáp ứng nhu cầu khá cấp bách của thị trường. Chiến lược đào tạo cần triển khai quyết liệt, nếu không, ngành sản xuất sẽ mất lợi thế cạnh tranh, ảnh hưởng  trực tiếp đến kinh tế nội địa, công ăn việc làm.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thay đổi năng suất là vấn đề tổng hòa của đầu tư công nghệ và lao động, dựa trên chiến lược phát triển của DN. Như đã nói, công nghệ sẽ tạo nên áp lực cạnh tranh rất lớn. Do vậy, chuyển đổi số (CĐS) là yêu cầu bắt buộc. Nhưng CĐS phải được hiểu đúng trong chiến lược phát triển tổng thể của DN. DN cần xác định mình cần chuyển đổi gì, đầu tư bao nhiêu, khi nào và tại sao để tối ưu hóa và đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Nhiều DN trong các ngành sản xuất vẫn đang phân vân có nên ứng dụng công nghệ, tự động hóa hay không và thực hiện ở mức nào. Dù mỗi ngành có đặc thù khác nhau nhưng theo khảo sát quy mô toàn cầu cho thấy, tự động hóa đều có thể giúp DN giảm chi phí lao động từ 40 đến 70%. CĐS là con đường bắt buộc phải theo đuổi, nếu muốn giữ và gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Không chỉ CĐS, trước những thách thức mới, chuyển đổi phải là chiến lược toàn diện của DN. Trong đó, giảm chi phí là đòi hỏi hàng đầu. DN cần ưu tiên các đầu tư cắt giảm chi phí và truyền thông chiến lược kinh doanh mới rộng rãi từ nội bộ đến khách hàng, nhà đầu tư… Đồng thời, quá trình chuyển đổi phải có hệ thống phản hồi, đánh giá từng hoạt động chuyển đổi trong từng mốc thời gian nhất định. Thời đại này đòi hỏi DN phải “Lean and Mean”, tinh gọn và quyết liệt sẽ giúp DN khẳng định được vị trí.

Ở phía vĩ mô, Nhà nước cũng cần chú ý đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực phụ trợ. Chuỗi cung ứng phải đa dạng hóa và gia tăng hàm lượng cần nội địa hóa. Đồng thời mở rộng, xây dựng hệ thống cung ứng trong nước và các khu vực lân cận để đề phòng những rủi ro dịch bệnh, chiến tranh…

Cuối cùng, khai mở thị trường mới, tăng giá trị hợp tác với thị trường truyền thống sẽ là “át chủ bài” để DN Việt Nam có thể bứt phá. Mạnh dạn thử sức ở những thị trường cao hơn, hợp tác với những công ty thương hiệu toàn cầu, đứng trên vai người khổng lồ để cùng lớn mạnh.

Khó khăn hiện nay ở quy mô quốc tế. Do vậy, thách thức hàm chứa cơ hội để mua lại cổ phần những công ty toàn cầu, cùng họ phát triển. Chính lúc này, nếu có đủ tiềm lực, DN nên nghĩ chuyện đầu tư sang nước ngoài rồi từ đó, đi ngược lại, chinh phục thị trường trong nước. Nghĩa là, vừa đảm bảo năng lực xuất khẩu, vừa tận dụng lợi thế thương hiệu ngoại, vốn được người dùng trong nước tin dùng hơn. Thị trường nội địa Việt Nam là mảnh đất giàu tiềm năng mà lâu nay, vì thiếu các giá trị riêng như thiết kế, thương hiệu… mà các DN xuất khẩu chưa thể chạm đến.

Trần Sĩ Chương – Chuyên gia kinh tế và chiến lược phát triển doanh nghiệp,
Nguyên Cố vấn cấp cao về chính sách tiền tệ và kinh tế
cho Ủy ban Ngân hàng Quốc hội Hoa Kỳ

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác