,

Ít hơn để nhiều hơn

Liệu những sản phẩm nội thất chất lượng có thể tái sử dụng gần như vô tận?

 

Như hầu hết các ngành công nghiệp khác, ngành nội thất tuân theo mô hình kinh tế truyền thống là sản xuất tuyến tính. Nhiều nguyên liệu sản xuất đến từ những nguồn tài nguyên tự nhiên hữu hạn, như gỗ, ngày càng đắt đỏ. Mặc dù đã có những cải tiến đáng kể để tăng độ bền cũng như giảm số lượng gỗ cần dùng, tuy vậy, do cạnh tranh liên ngành về nguồn lực với chuỗi cung ứng ngày càng biến động đã dẫn đến xung đột giữa ngành sản xuất truyền thống với việc bảo tồn tự nhiên.

Với một tương lai tiềm ẩn nhiều rủi ro, Royal Ahrend, một doanh nghiệp lâu đời ở Hà Lan đã chuyển đổi mô hình truyền thống với việc định hình một nguyên tắc cốt lõi trong hoạt động sản xuất kinh doanh: tạo ra những sản phẩm chất lượng có khả năng tái sử dụng gần như vô tận.

Trong 30 năm qua, tính bền vững và tuần hoàn đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược của công ty. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, lượng khí thải carbon trên toàn cầu của Ahrend đã giảm 56% kể từ năm 1990 dù mở thêm bốn nhà máy mới. Công ty còn hướng đến một mục tiêu tham vọng hơn là cam kết đưa lượng khí thải nhà kính về gần như bằng không trên toàn bộ chuỗi giá trị chậm nhất vào năm 2050. Làm thế nào để một thương hiệu nội thất có thể biến những sản phẩm của mình thành các thiết kế vượt thời gian?

Tính bền vững

Vào thập niên 1930, những chiếc bàn Ahrend nặng nề đến mức hầu như không thể di chuyển được, thường kết thúc vòng đời của mình hòa vào dòng rác thải đô thị, hoặc được mang đi đốt để lấy năng lượng. Kể từ đầu những năm 1990, Ahrend đã thay đổi chiến lược, quan tâm tìm kiếm các giải pháp vật liệu bền vững và tạo ra các dòng sản phẩm nội thất có khả năng kéo dài tuổi thọ.

Công ty bắt đầu tái cơ cấu lại các xưởng sản xuất, với các trạm xử lý chuyên dụng và quy trình thiết kế đặc biệt để tạo ra các bộ phận có thể dễ dàng tháo rời. Ghế văn phòng, bàn và các đồ nội thất khác được di chuyển tuần tự qua các trạm xử lý với các bộ phận được thêm vào, giống như một đứa trẻ đang lắp ráp mô hình Lego vậy. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo trì, sửa chữa, cũng như nâng cấp các bộ phận mới, hoặc tái chế chúng một cách hiệu quả, để mỗi sản phẩm có thể có nhiều vòng đời khác nhau.

Một ví dụ điển hình là chiếc ghế làm việc Ahrend Cassina 160 được làm hoàn toàn từ vật liệu tái chế và có thể tái sản xuất lại khi hết tuổi thọ.

Tính tuần hoàn

Trong vài năm qua, với ý niệm đem tính tuần hoàn vào từng sản phẩm, Ahrend đã cung cấp cho khách hàng một dịch vụ với tên gọi FAAS (Furniture as a service) để hỗ trợ khách hàng bằng nhiều dịch vụ khác nhau. Với một khoản phí cố định hàng tháng, khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn cho mình một không gian làm việc linh hoạt có thể dễ dàng thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.

Dựa trên cung và cầu giữa các tổ chức, dịch vụ này hoạt động giống như một nền tảng chia sẻ đồ nội thất. Người dùng thuê sản phẩm có thể dễ dàng trả lại đồ đã qua sử dụng, hoặc đồ cũ có thể được đem đi tân trang và tái sử dụng với khách hàng khác. Chế độ bảo hành được áp dụng trong suốt thời hạn của hợp đồng nên sản phẩm hư hỏng sẽ được sửa chữa hoàn toàn miễn phí.

Khách hàng của Ahrend được hưởng lợi nhờ giảm đáng kể chi phí thiết lập văn phòng mới cũng như tăng khả năng duy trì sự tinh gọn và linh hoạt, đặc biệt với các công ty mới khởi nghiệp hoặc trong giai đoạn cần phát triển nhanh. Đối với các khách hàng doanh nghiệp lớn, việc đi thuê thay vì sở hữu đồ nội thất sẽ làm giảm chi phí quản lý tài sản trong hoạt động kinh doanh.

Việc đưa công nghệ mã QR vào từng sản phẩm, cùng với hệ thống cơ sở dữ liệu hiện đại, đã giúp Ahrend liên tục ghi nhật ký, lưu trữ và theo dõi lịch sử của tất cả sản phẩm thuộc quyền sở hữu của họ. Điều này đảm bảo luồng thông tin thông suốt, cũng như tình trạng sản phẩm được đồng bộ trên toàn hệ thống cơ sở dữ liệu giúp mở rộng và quản lý mô hình FAAS ngày càng hiệu quả.

Sự tham gia của chuỗi cung ứng

Ahrend có mặt tại hơn 25 quốc gia và có chuỗi cung ứng toàn cầu bao gồm 5 cơ sở sản xuất. Ahrend không chỉ định hình quy trình sản xuất của mình để tạo ra các sản phẩm phù hợp triết lý kinh doanh, công ty còn yêu cầu các nhà cung cấp phải tuân thủ mô hình này. Khi Ahrend phát triển một sản phẩm mới, nhiều bên được mời cộng tác ngay từ ngày đầu tiên của quá trình thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong chuỗi cung ứng.

Các dự án thành công cho đến nay bao gồm sự hợp tác với KLM Airlines để cung cấp vật liệu bọc cũ, cùng với nhà sản xuất linh kiện PLANQ để cung cấp kiến thức chuyên môn và cơ sở vật chất nhằm phân hủy các loại vải đã qua sử dụng và biến chúng thành vật liệu phủ bề mặt bàn bền bỉ. Dự án đã mang lại sản lượng hàng năm là 150.000 chiếc bàn, tiết kiệm được việc khai thác 2.250 tấn gỗ nguyên sinh từ rừng nguyên sinh.

Ở Ahrend có một câu thần chú “Ít hơn để nhiều hơn”: Bằng cách tập trung vào việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng và tái chế, giảm thiểu tác động đến môi trường, công ty đang hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, bền vững hơn.

Phạm Hồng Thủy (Nguồn: www.ellenmacarthurfoundation.org)

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác