, ,

Ông Mai Xuân Hồng – nhà sáng lập Công ty Kiến Tạo (TIC) và BB Brothers Corp: Cần con đường mới cho xuất khẩu nội thất

Hơn hai mươi năm làm việc trong ngành thiết kế, khởi nghiệp và trụ vững ở thị trường Mỹ, nhà sáng lập TIC và BB Brothers Corp cho rằng, đây là thời gian phù hợp để doanh nghiệp (DN) nội thất Việt Nam tiếp cận trực tiếp người dùng quốc tế.

 

* Năm 2023 là quãng thời gian nhiều khó khăn cho ngành sản xuất. Dù có nhiều lợi thế cạnh tranh nhưng chế biến gỗ cũng không nằm ngoài số đó. Theo ông, việc các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm có phải là nguyên nhân chính khiến mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu gặp khó?

– Trên thị trường thế giới, sản phẩm nội thất Việt Nam hiện diện chủ yếu thông qua nhà phân phối và mang thương hiệu của họ. Việc bất lợi về thương hiệu không chỉ khiến DN mất giá trị lợi nhuận mà còn đối mặt với nhiều rủi ro trong kinh doanh. Khi thị trường giảm, việc đầu tiên các đơn vị đặt hàng gia công là tạm ngừng đơn hàng.

Thực tế này một lần nữa khẳng định mô hình gia công hoàn toàn không bền vững. DN phải từ thế mạnh sản xuất nên tập trung tạo thương hiệu và quan trọng hơn là đầu tư vào thiết kế để chủ động trong kinh doanh toàn cầu. Những thách thức khách quan ở địa chính trị thế giới được dự báo vẫn còn dai dẳng trong năm 2024. Để có thể thích nghi và phát triển, DN nội thất nói riêng và các ngành sản xuất ở Việt Nam cần có con đường khác.

* Sản xuất là thế mạnh nhưng sáng tạo và kinh doanh lại là thế yếu của hầu hết DN nội thất Việt Nam?

– Tôi làm việc cho thị trường Mỹ hơn 20 năm. Trong đó, hơn 10 năm đầu làm trực tiếp cho DN Hoa Kỳ. Từ năm 2017, tôi định cư và khởi nghiệp, kinh doanh trực tiếp tại Mỹ trong mảng thiết kế, kiến trúc. Đội ngũ của BB Brothers Corp chủ yếu là người Việt, làm việc tại Việt Nam những vẫn thiết kế công trình cho các khách hàng ở các nước, nhiều nhất là ở Hoa Kỳ. Ở Mỹ, hồ sơ thiết kế phải được thực hiện rất chi tiết từ khâu lên kế hoạch thiết kế đến hồ sơ thiết kế xây dựng… Tất cả thông tin liên quan đều phải được kiểm soát từng chi tiết một, đòi hỏi rất nhiều công sức.

Nói như vậy để thấy rằng, năng lực sáng tạo của người Việt không hề thấp và được khách hàng thế giới đón nhận. Vấn đề kinh doanh cũng vậy, nếu chỉ thụ động ngồi đợi đơn hàng thì khó nhưng nếu từng bước tiếp cận khách hàng và chinh phục họ bằng việc giữ đúng các cam kết thì họ sẽ đón nhận.

* Theo quan sát của ông, con đường nào có thể giúp cho DN nội thất Việt Nam tiếp cận trực tiếp với khách hàng?

– Bán hàng online là kênh đang phổ biến, có thể trở thành lựa chọn thiết thực cho DN. Nhưng ở thị trường truyền thống, có một cơ hội khác là việc cung ứng không gian nội thất. Thực tế ở Mỹ, khách hàng thuê người thiết kế và cung ứng nội thất theo kiểu đo ni đóng giầy phải trả chi phí khá cao. Nếu có thể mang dịch vụ ấy đến với phân khúc thấp hơn với chi phí ở mức tương đối, tôi nghĩ, khách hàng sẽ dễ dàng đón nhận. BB Brothers đã có những thử nghiệm và ghi nhận được tín hiệu khá tốt từ dịch vụ này.

BB Brothers ngoài việc thiết kế còn cung ứng toàn bộ quy trình từ khâu thiết kế, tổ chức thi công tại Mỹ. Chúng tôi đặt hàng các sản phẩm sản xuất ở Việt Nam rồi triển khai lắp đặt hoàn thiện cả không gian nội thất. Cách làm này mang lại giá trị cao hơn so với việc bán từng món đồ nội thất hay xuất khẩu theo đơn hàng gia công. Chúng tôi đang mở rộng kết nối, tìm kiếm các DN sản xuất nội thất để cùng tụ hội trong một hệ sinh thái, cùng nhau hoàn thiện các công trình cho khách hàng ở Mỹ.

Kinh nghiệm cho thấy, DN cần phải làm chủ động sáng tạo. Chủ động thiết kế thì sẽ đoán được xu hướng thị trường rồi từ đó tìm kiếm đối tác phù hợp

* Ông không ngại thiết kế sản phẩm nội thất của mình sẽ bị các DN sản xuất sao chép?

– Quan điểm của tôi là dành sức cạnh tranh với DN các nước. Với đối tác của mình, với cộng đồng DN Việt Nam, chúng ta cần hỗ trợ để cùng nhau phát triển. Thị trường đủ rộng cho tất cả mọi người.

* Điều gì khiến ông tự tin với mô hình ấy?

– Đã hoạt động lâu năm ở Mỹ nên BB Brothers có lợi thế tiếp cận khách hàng từ đầu dự án, ngay ở giai đoạn thiết kế. Chúng tôi có tệp quản lý khách hàng, đối tác nên chỉ cần hội tụ đủ các thành phần là có thể hoàn thành dự án. Cách làm này mang đến giá trị cao hơn trong việc xuất khẩu đồ nội thất, giúp DN có thể chủ động hơn.

Việc xuất khẩu cả không gian nội thất được công nghệ hỗ trợ rất lớn. Khách hàng hoàn toàn có thể trải nghiệm trước trên máy tính, hình dung được không gian sống tương lai của mình như thế nào và hoàn toàn có thể hiệu chỉnh theo cá nhân hóa.

* Mức độ cạnh tranh với các DN địa phương thì sao?

– DN Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các DN Mỹ nếu có chiến lược phù hợp. Người Việt rất chịu khó, tỉ mỉ và khéo léo, rất phù hợp cho sản xuất và hoàn thiện đồ nội thất.

Xuất khẩu không gian nội thất không quá xa lạ. Cứ nhìn vào thị trường trong nước, các DN đã thiết kế từ kiến trúc đến cảnh quan, nội thất cho khách hàng từ lâu. Bàn tủ thì cũng “đo ni đóng giày” theo từng thiết kế nhà. Chỉ cần nắm được “style” khách hàng ở Mỹ rồi áp dụng cách làm ở thị trường trong nước, tôi nghĩ DN Việt sẽ tạo nên con đường mới.

Nguyễn Đặng thực hiện

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác