,

Thiết kế để tuần hoàn

Đồ nội thất do Maison Tournesol (Nhà Hướng Dương) sản xuất tại Colomiers, ngoại ô thành phố Toulouse, Tây Nam Pháp, nổi bật về thiết kế: Nó được tạo ra từ chất thải ngành xây dựng. Đằng sau công ty được thành lập vào năm 2019 này là các kiến trúc sư và nhà thiết kế trẻ – những người quyết định biến việc tái sử dụng và nền kinh tế tuần hoàn thành sự nghiệp độc đáo của mình.

 

Bên cạnh những thanh sắt, tấm nhôm, cấu trúc kim loại khác, được lấy từ bãi rác, Thomas Combes, trong chiếc tạp dề màu xanh lam, kính bảo hộ và tai nghe chống ồn đang chăm chú hàn một chiếc kệ kiểu dáng đẹp trong xưởng của mình ở Colomiers. Nhật báo Pháp Ouest France ghi nhận món đồ nội thất đang làm này có ký hiệu của Maison Tournesol, hoàn toàn được làm từ chất thải trong lĩnh vực xây dựng.

Kiến trúc sư, nhà thiết kế trẻ 33 tuổi này giải thích: “Đây là môi trường tạo ra rất nhiều chất thải, trước trong và sau khi xây dựng các tòa nhà, lên đến 50 triệu tấn mỗi năm”. Hướng về đối tác cùng tuổi với mình là Francois Bois, Thomas Combes nói đây là nơi ý tưởng về Tournesol ra đời: “Chúng tôi tự nhủ rằng mình sẽ tái sử dụng trong ý tưởng nền kinh tế tuần hoàn và đó là sở thích của chúng tôi”.

Nhóm thiết kế Toulouse

Vào năm 2019, cùng với hai kiến trúc sư trẻ khác nhận thức được vấn đề môi trường, Thomas Combes và François Bois đã thành lập công ty chuyên thiết kế và sản xuất đồ nội thất từ rác thải vật liệu xây dựng, nếu không, vật liệu này sẽ bị đưa đến trung tâm tái chế. Francois Bois tự hào khẳng định: “Mỗi năm chúng ta tránh được 2 tấn chất thải và 6 tấn CO2”. Anh cho biết sản phẩm nội thất mà Thomas đang chế tạo cần khoảng 25kg vật liệu tái chế và những nguyên liệu thô được thu hồi từ các nhà sản xuất ngay trước khi chúng trở thành rác thải, để bắt đầu một chu kỳ sống mới. Đó là nền kinh tế tuần hoàn.

Léa Querrien – Giám đốc dự án đổi mới tại Công ty dịch vụ môi trường Valdelia – công ty chuyên tổ chức thu gom và tái chế rác thải nội thất – cho biết mô hình kinh tế này “đã tham gia vào quá trình phát triển của nhiều thứ khác”. Các chuyên gia cho biết “có rất nhiều sáng kiến tích hợp nền kinh tế tuần hoàn đang nổi lên ở Pháp và châu Âu, đặc biệt là giữa thế giới nội thất và thế giới xây dựng”. Cô Léa Querrien xác nhận thêm: “Quy định đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển này”. Thật vậy, cô biện luận rằng kể từ tháng 3/2021, Luật Chống lãng phí cho nền kinh tế tuần hoàn ở Pháp (AGEC) yêu cầu phải có từ 20% đến 40% vật tư mà các dịch vụ công mua sắm phải từ việc tái sử dụng hoặc sử dụng vật liệu tái chế.

Francois Bois cho biết thêm chính thị tường này là một trong những khách hàng chính của Maison Tournesol và ngày nay có hơn 100 khách hàng bao gồm cả những nhà sản xuất “muốn nội thất sinh thái và bền vững, đáp ứng chính sách về trách nhiệm xã hội của họ”.

Paprec tiên phong và phát triển mạnh

Tuy nhiên, theo Ouest France, không phải nhóm thiết kế ở Toulouse mà chính Công ty Paprec mới thực sự tiên phong trong kinh tế tuần hoàn. Paprec là công ty hàng đầu của Pháp về tái chế đồng thời đứng thứ ba trong quản lý chất thải và thu hồi năng lượng. Doanh nghiệp này do Jean-Luc Petithuguenin thành lập vào năm 1994 và hiện muốn tăng gấp đôi quy mô trong mười năm tới, đồng thời muốn tăng tốc phát triển quốc tế sang Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan.

Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Petithuguenin cũng đã thông báo về sự xuất hiện của một cổ đông tham chiếu mới là Vauban Infrastructures Partners – một công ty quản lý của Pháp chuyên đầu tư cơ sở hạ tầng bằng vốn riêng. Nhóm Crédit Agricole cũng đã trở thành cổ đông và tham gia cùng các cổ đông như BPIfrance, BNP Paribas và Arkea. Vòng cấp vốn mới với số vốn tăng thêm 326 triệu euro này nâng vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Paprec lên 800 triệu euro. Đúng với chính sách dài hạn của mình, Paprec muốn lướt sóng trên một thị trường đang phát triển nhanh chóng. Sau khi vượt mốc 2,2 tỷ euro, doanh thu đạt 2,5 tỷ euro vào cuối năm 202 với 12.500 nhân viên. Mục tiêu là đạt doanh thu 5 tỷ euro và 30.000 người.

Nhã Lan

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác